Buôn lậu vàng vẫn nóng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu, lợi nhuận cao khiến việc nhập lậu vàng qua biên giới vẫn tiếp tục “nóng”.

Cuối tuần qua, Hải quan cửa khẩu An Giang đã bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 18kg vàng vào Việt Nam, các đối tượng còn thừa nhận trong tháng 11/2016 đã mang vàng về Việt Nam được 3 lần nhưng không rõ số lượng bao nhiêu.
Còn chênh lệch giá, còn buôn lậu vàng
Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này theo các chuyên gia nằm ở nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động này mang lại. Giá vàng miếng SJC bán ra cuối tuần tăng nhẹ, lên mức 35,71 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 3,18 triệu đồng/lượng. Vàng SJC 35,71 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào cũng hàng đó, coi như nguyên liệu chỉ có 33,05 triệu đồng/lượng, còn tại thị trường Campuchia là 32,56 triệu đồng/lượng.

Thu giữ tang vật vụ vận chuyển trái phép 18kg vàng vào Việt Nam. Ảnh: Công Mạo

Theo tính toán của một chuyên gia trong lĩnh vực vàng, vàng nguyên liệu tại thị trường trong nước dưới dạng thỏi, miếng, hạt lại có giá thấp hơn rất nhiều nên càng lãi. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng nguyên liệu trong nước khoảng 3 triệu đồng/lượng. Một kg vàng khoảng 27 lượng, tối thiểu người buôn cũng lãi trên 80 triệu đồng/kg. Nhưng nếu trực tiếp sản xuất vàng trang sức, những kẻ buôn lậu có thể kiếm lãi tới gấp đôi (tức 160 triệu đồng/lượng).
Theo chuyên gia vàng quốc tế Huỳnh Trung Khánh, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng.
Buôn lậu vàng về bán cho ai?
Một chuyên gia trong lĩnh vực vàng cho biết, hiện nay vàng lậu vẫn về và được tiêu thụ qua hai kênh: sản xuất nữ trang, vàng nhẫn, hiện đang vào mùa tiêu thụ cao điểm và người dân mua cất giữ - cũng chính là nguồn tiêu thụ lớn của vàng lậu. Vị này cho hay, sau khi thị trường vàng được siết chặt quản lý, cầu vàng SJC bão hòa, thị trường lại xuất hiện cầu vàng trang sức rất lớn (sản xuất nữ trang phục vụ mùa cưới và dịp lễ, Tết cuối năm) nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bán vàng SJC, không bán vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang. 
Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn. “Mấy năm gần đây, NHNN không cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các DN vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các DN thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu” - ông Huỳnh Trung Khánh nhận định.
Theo nhiều chuyên gia, để giảm thiểu buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, cần thu hẹp chênh lệch giá vàng xuống. Một giải pháp nữa để hạn chế vàng lậu đó là việc NHNN nên cho phép các DN sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu từ nước ngoài, thay vì mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Hạ nhiệt thị trường vàng đang là giải pháp được giới chuyên gia và các nhà kinh doanh tin sẽ giúp ổn định tỷ giá trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng, cơ quan quản lý Nhà nước khó có thể chiều lòng các nhà kinh doanh vàng, cho nhập khẩu tự do và kinh doanh trên tài khoản. Do đó biện pháp tăng cung qua đấu thầu cũng được nhiều chuyên gia đề cập. Khi đó, cung sẽ tăng, đảm bảo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm sẽ giúp ổn định thị trường vàng, từ đó tác động lan tỏa cho thị trường ngoại tệ hạ nhiệt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần