KTĐT - Giống cá chép ngoại lai nhanh chóng thích ứng với môi trường mới và chiếm lĩnh các khu vực sinh sống. Theo một số tài liệu khoa học, cá chép châu Á ăn các loại rong trong ao hồ nhưng với số lượng không nhiều như người ta vẫn đồn đại.
Cá chép châu Á ở Mỹ đang bị coi là "quỷ dữ". Một số bang ở Mỹ đang đòi chặn đứng con đường di cư của cá chép châu Á lên phía Bắc. Họ cho rằng nếu giống cá dữ và ăn tạp này sinh sôi nảy nở ở Ngũ đại hồ thì đúng là một thảm họa sinh thái.
Giữa một số bang của Mỹ đang bùng lên vụ xích mích liên quan tới cá chép châu Á. Chính quyền Michigan, Wisconsin, Minnesota và Ohio đòi bang Illinois phải chặn đứng con đường di cư của cá chép châu Á lên phía Bắc. Họ cho rằng nếu giống cá dữ và ăn tạp này sinh sôi nảy nở ở Ngũ đại hồ thì đúng là một thảm họa sinh thái.
Cá chép châu Á bị coi là "quỷ dữ" ở Mỹ.
Sự lựa chọn khó khăn
Tòa án Tối cao Mỹ vừa chuyển cho Quốc hội nước này xem xét đơn kiện dân sự bang Illinois của bốn bang Michigan, Wisconsin, Minnesota và Ohio về “vụ cá chép châu Á”. Vụ việc sắp vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia khi tới đây, Canada cũng gia nhập nhóm nguyên đơn bởi bốn trong năm hồ nói trên có những phần nằm ở nước này. Cá chép châu Á hoàn toàn không giống những “người anh em” đồng loại khác.
Theo cách mô tả trên báo chí Mỹ thì vẻ ngoài của chúng “gợi nhớ cá mập”, trọng lượng có thể đạt 50 cân và chiều dài bằng “thân hình người lớn”. Cá chép châu Á không chỉ ăn thịt tất cả các loài cá sống ở sông, hồ mà còn hủy diệt cả hệ sinh thái tại những nơi đó. Điều này khiến chủ các công ty nuôi cá ở năm hồ lớn Superio, Michigan, Erie, Huron và ontario coi chúng là kẻ thù không đội trời chung.
Giống cá dữ có nguồn gốc châu Á bắt đầu di cư từ miền Nam nước Mỹ lên phía Bắc, theo hướng Ngũ đại hồ, khoảng 10 năm trước. Lần đầu tiên người ta mang chúng lên phía Bắc nước Mỹ để nuôi trong các trại cá là vào giữa thế kỷ 20. Trong những trận lụt vào thập niên 1990, những con cá chép châu Á đã thoát ra ngoài và lọt vào sông Mississippi rồi tỏa dần lên phương Bắc. Tới cửa sông Illinois, chúng sinh sôi nảy nở ngoài tầm kiểm soát, chiếm lĩnh kênh đào dẫn đến sông Chicago và từ đó “nhảy bổ” vào hồ Michigan.
Theo cảnh báo của Sở Bảo vệ tài nguyên Illinois, nếu không chặn đứng giống cá này thì chỉ riêng thiệt hại của các công ty nuôi cá sẽ vượt 9 tỷ USD/năm. Họ cho rằng đã đến thời điểm phải đóng kín cửa vào Ngũ đại hồ nếu không muốn toàn bộ hệ động - thực vật ở khu vực nước ngọt lớn nhất của Mỹ bị hủy diệt. Tờ Newizv cho biết rằng, trong những ngày tới, Quốc hội Mỹ phải lựa chọn cách thức tốt nhất để chống “kẻ xâm lược từ châu Á”. Hiện nước Mỹ đang có hai dự án.
Dự án thứ nhất đã bắt đầu được thực hiện khi người ta lắp hàng rào điện ở cửa sông Chicago nhằm “chặn 100% cơ hội tràn vào hồ Michigan của những kẻ nhập cư hung bạo”. Tuy nhiên, cá chép châu Á đã biết cách lọt qua hàng rào điện nói trên. Hiện giờ các chuyên gia của một đơn vị quân đội Mỹ đang tìm cách hoàn thiện hàng rào này.
Dự án thứ hai do các nguyên đơn của vụ kiện đưa ra. Theo họ, cần “nút chặt” cả hai đầu của kênh giao thông đường thủy nối sông Illinois với sông Chicago. Song, như các chuyên gia của Hiệp hội Thương mại Illinois, việc đóng con kênh mà tàu bè chở hàng vẫn qua lại suốt 24 giờ trong ngày sẽ gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Cước phí của việc vận chuyển theo đường bộ, đường sắt sẽ tăng cao, còn ngành vận tải đường thủy thì thiệt hại khoảng 8 tỷ USD/ năm. Chẳng khó để đoán được phản ứng của người dân địa phương đối với việc đóng con kênh này.
Như vậy, Quốc hội Mỹ phải cân nhắc giữa việc bảo vệ môi trường Ngũ đại hồ với sự bảo đảm ngân sách của bang Illinois.
“Kẻ tội đồ”
|
Vẻ ngoài của cá chép “gợi nhớ cá mập”, trọng lượng có thể đạt 50 cân và chiều dài bằng “thân hình người lớn”. |
Cá chép có nguồn gốc từ châu Á được đưa vào Bắc Mỹ năm 1877 với chiến dịch quảng cáo rùm beng như là “loại cá tuyệt hảo nhất thế giới”. 345 con cá chép đầu tiên đã được thả xuống ao hồ ở công viên Druid Hill tại thành phố Baltimore, bang Maryland.
Giống cá chép ngoại lai nhanh chóng thích ứng với môi trường mới và chiếm lĩnh các khu vực sinh sống. Theo một số tài liệu khoa học, cá chép châu Á ăn các loại rong trong ao hồ nhưng với số lượng không nhiều như người ta vẫn đồn đại. Người ta còn cho rằng chúng ăn trứng của các loại cá khác. Điều này cũng không có chứng cứ thuyết phục. Đúng là cá chép làm vẩn đục các ao hồ, nhưng có đến mức gây tổn hại cho các loại cá khác hay không thì chưa ai xác định được.
Mặc dù có giá trị dinh dưỡng và tiêu khiển (câu cá) nhưng tại Mỹ, cá chép châu Á vẫn bị ghét bỏ. Chúng bị coi là mối đe dọa đối với các loại cá bản địa. Tuy nhiên, thật ra số lượng và chủng loại cá bản địa cũng đã suy giảm trước khi nhập cá chép. Chính do áp lực của nhu cầu cá nước ngọt nên nước Mỹ mới nhập khẩu cá chép châu Á.
Đơn giản là giống cá này có khả năng sinh sống trong những môi trường đã bị ô nhiễm tốt hơn so với nhiều loại cá bản địa. Biện pháp thường được sử dụng ở Mỹ để tiêu diệt cá chép châu Á là bỏ thuốc độc cho chết hết cá trong ao hồ, sau đó khử trùng và thả lại các loại cá truyền thống. Tuy nhiên, do sức chịu đựng cao của cá chép châu Á mà biện pháp này hầu như không đem lại hiệu quả.