Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue
Hiện nay, số lượng bệnh nhân xuất huyết Dengue tăng hơn so với mọi năm. Bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng cả người lớn và trẻ nhỏ, có những trường hợp tái mắc nhiều lần.
Trong số các ca mắc sốt xuất huyết, đáng lo ngại có khá nhiều trẻ em. Trong đó, đã có những trẻ tử vong vì bệnh này. Hiện nay, tại các bệnh viện, số bệnh nhân sốt xuất huyết ngày càng tăng,.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay có 337 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú. Đặc biệt, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, tại bệnh viện đã có 97 trẻ nhập viện; riêng từ 1/9 đến nay có 88 ca. Thống kê riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Thời điểm này, 2 cơ sở của bệnh viện có 157 ca sốt xuất huyết điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca bệnh sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện này cũng đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây. Hiện số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới là 54 bệnh nhân, trong đó có 11 ca chuyển nặng.
Một số bệnh viện khác cũng ghi nhận nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nhập viện. Thêm một thực trạng đáng lo ngại, nhiều bệnh nhân sau khi mắc sốt xuất huyết đã tự ý điều trị tại nhà hoặc bị chẩn đoán sang các bệnh khác thông thường, hay là Covid-19 nên không được chữa trị kịp thời, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như tiểu cầu hạ, chảy máu chân răng, chảy máu cam. Thậm chí có nhiều trường hợp đã suy gan và viêm màng não.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, hiện đang điều trị cho 173 bệnh nhân sốt xuất huyết tại 4 khoa, trong đó, Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện với 78 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nặng. Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nặng này đều nhập viện muộn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Phương - Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, nhiều bệnh nhân đang có tình trạng cô đặc máu và xuất huyết ở trên lâm sàng, ra máu âm đạo, chảy máu chân răng, đi tiểu ra máu rất nhiều.
“Hiện nay, dịch đang bùng phát mạnh. Do đó, người dân có các dấu hiệu sốt, nôn, buồn nôn, chảy máu chân răng, đi ngoài đi tiểu ra máu hoặc những dấu hiệu mệt mỏi phải đến cơ sở y tế ngay để phát hiện sớm và điều trị phù hợp” – bác sĩ Phương khuyến cáo.
Tương tự tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ đầu năm đến nay, bệnh viện điều trị cho 344 bệnh nhân sốt xuất huyết. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ đầu năm đến nay là 493 bệnh nhân (số bệnh nhân tập trung vào tháng 8, tháng 9).
Riêng trong tháng 9, số bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa là 135 bệnh nhân, chiếm 1/4 số lượng bệnh nhân cả năm. Hiện có 125 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại đây, trong đó có 33 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.
Nguy hiểm khôn lường nếu chủ quan với sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Dương Quốc Bảo – Phó trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trong thời điểm này, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng, từ đó, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue (thể nặng) cũng tăng theo.
Hiện tại, tỉ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue (thể nặng), có dấu hiệu cảnh báo và số bệnh nhân nặng cũng rất cao. Số lượng bệnh nhân cần can thiệp như cầm máu, truyền tiểu cầu, bị cô đặc máu tỉ lệ khá cao.
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều trường hợp nặng, trong đó, có những bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm, phải can thiệp meche ở mũi để cầm máu. Hay những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân vào viện tình trạng cô đặc máu nhiều. Trong đó, có một trường hợp nặng và phải chuyển lên tuyến trên..
Như bệnh nhân L.T.H. (huyện Mê Linh) từ Bệnh viện Đa khoa Mê Linh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, là bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 6, trong tình trạng hạ tiểu cầu nặng, xuất huyết, chảy máu chân răng nhiều, chảy máu cam, xuất huyết toàn thân, dưới da. Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được xử trí bù dịch tích cực, truyền tiểu cầu.
Còn bệnh nhân Đ.T.L. (18 tuổi, trú tại tỉnh Điện Biên) vào Bệnh viện Đa khoa Đống Đa trong tình trạng xuất huyết, chảy máu cam. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, các bác sĩ phải can thiệp meche ở mũi để cầm máu, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Bác sĩ Dương Quốc Bảo cho biết, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là DEN1, DEN2, DEN3, DEN4 và không miễn dịch chéo giữa các tuýp đó. Nên bệnh nhân có thể mắc một vài lần sốt xuất huyết là bình thường. Mỗi lần sau bị sốt xuất huyết, có thể bệnh nhân có nguy cơ nặng hơn lần trước. Do đó, nếu bệnh nhân đã mắc sốt xuất huyết và tái mắc cũng nên cảnh giác và đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
“Các dấu hiệu nặng của sốt xuất huyết Dengue gọi là các dấu hiệu cảnh báo. Trong đó có các dấu hiệu lâm sàng, có thể bệnh nhận rối loạn ý thức, kích thích vật vã, thay đổi hình thức, li bì, lơ mơ. Ngoài ra những biểu hiện nặng như nôn, đau tứcvùng gan hoặc gan to…” – bác sĩ Bảo cảnh báo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận ca bệnh nặng lên do đến muộn, suy đa tạng hoặc sốc do giảm thể tích, sốc do mất máu, sốc do truyền tiểu cầu.
Do đó, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt. Việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế vì nếu chỉ số hemoglobin giảm, người bệnh cần được truyền dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch chứ không truyền dung dịch thường vì sẽ sốc hoặc bệnh nặng thêm do truyền dịch.
Chuyên gia lưu ý, sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khoẻ mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Rất nhiều trường hợp các ca bệnh sốt xuất huyết nặng lên do xử trí không đúng, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao.
“Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine, tuy nhiên lại diễn biến hàng năm nên người dân cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo như sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời” - PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo.
Hiện dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các chuyên gia dự đoán, trong khoảng tháng 10, 11, số lượng bệnh nhân còn tăng cao hơn nữa. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, đau người cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà, nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue cả nước so với Hà Nội có sự tăng giảm trái chiều. Cụ thể, đến nay, cả nước ghi nhận hơn 81.000 ca mắc sốt xuất huyết, 23 ca tử vong. So với năm 2022, số ca mắc giảm nhiều tới 60% và số ca tử vong giảm 80 ca.
Tuy nhiên, điều này hoàn toàn trái ngược với sự ghi nhận sốt xuất huyết Dengue tại Hà Nội. Vào thời điểm này, tại Hà Nội ghi nhận trên 10.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue; có 3 trường hợp tử vong. Như vậy, nếu so sánh số ca mắc sốt xuất huyết Dengue của Hà Nội với năm 2022 cho thấy, số ca mắc của năm nay (đến thời điểm này) tăng gấp trên 3 lần.
Dự báo, Hà Nội cũng như các tỉnh khu vực miền Bắc thường xảy ra đỉnh dịch vào tháng 10. Hiện đang là tháng 9, dự đoán, Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng trong khoảng vài tuần tới.
TS Vũ Trọng Dược – Trưởng văn phòng sốt xuất huyết Dengue, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương