Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Bị giam oan, tòa “né” bồi thường

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trường hợp của anh Nguyễn Anh Duy (SN 1996, ngụ ấp Rau Dừa B, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), bị bắt ngày 16/3/2015 và bị xử 5 năm tù. Sau đó, Tòa án tỉnh Cà Mau hủy án điều tra lại, cuối cùng Viện KSND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) ra quyết định đình chỉ vụ án. Khi Duy làm đơn đòi bồi thường oan sai, thì TAND TP Cà Mau… chối bỏ trách nhiệm.

Tòa phúc thẩm hủy án, nhưng cấp sơ thẩm cố chấp
Theo hồ sơ vụ việc, vào đêm 14/3/2015, trên địa tỉnh Cà Mau xảy ra 2 vụ chém người. Vụ thứ nhất tại cống Nàng Âm (huyện Cái Nước), nạn nhân là Đặng Hữu Thời, Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng đang trên đường về nhà thì một nhóm người đuổi chém.
Hậu quả, Thời bị thương nặng ở đầu, vai và tay. Gần thời điểm này, trước cổng đô thị Hoàng Tâm (xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau) cũng xảy ra một vụ chém người, bị hại là Nguyễn Quốc Toàn, Lê Hoàng Khen, Hồ Minh Tiến.
 Quyết định đình chỉ vụ án hình sự đối với Nguyễn Anh Duy, và thông báo ''phủi'' trách nhiệm bồi thường của TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).
Ngày 16/3/2015, Đặng Hữu Thời bị bắt với lý do chủ mưu trong việc chém Toàn, Tiến, Khen. 6 thanh niên khác, gồm: Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung, Nguyễn Anh Duy, Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong bị bắt khẩn cấp để điều tra. Sau 9 ngày tạm giữ, Nguyên cùng Phong được trả tự do.
Tháng 7/2016, TAND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) xử sơ thẩm lần thứ nhất, cả 5 bị cáo Duy, Thời, Long, Nam, Trung đều kêu oan, nhưng vẫn bị tòa tuyên phạt về tội “Cố ý gây thương tích”. Duy bị phạt 5 năm tù giam, cả 5 bị cáo đều kháng cáo. Tháng 11/2016, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có nhiều chứng cứ kết tội mâu thuẫn. Đặc biệt, việc Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém mình để trả thù… trong cùng một thời gian là không phù hợp.
Sau gần 3 năm điều tra lại, với 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung trái luật vì luật quy định Viện KSND chỉ được trả hồ sơ tối đa 2 lần. Ngày 1/8/2019 Viện KSND TP Cà Mau ban hành quyết định “Đình chỉ vụ án đối với bị can” theo khoản 1 điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự do “Không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với bị can Nguyễn Anh Duy”.
Tuy nhiên, Viện KSND vẫn tiếp tục truy tố Thời, Long, Nam và Trung về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong các ngày 21, 22 và 25/11/2019, TAND TP Cà Mau tiếp tục xử sơ thẩm lần 2 và tiếp tục tuyên án đối với 4 bị cáo còn lại với mức án tăng nặng so với bản án sơ thẩm lần 1. Ngay tại tòa, cả 4 bị cáo nộp đơn kháng cáo kêu oan vì cho rằng bị đánh đập, bị bức cung nên phải nhận tội, đặc biệt có người làm chứng việc ngoại phạm.
Tòa án không bồi thường là hoàn toàn sai
Đối với trường hợp của anh Duy, trong tháng 11/2019 đã gửi đơn với yêu cầu TAND TP Cà Mau phải bồi thường oan sai với số tiền 964.336.848 đồng, do những thiệt hại về tài sản, sức khỏe, thu nhập, tinh thần bị xâm phạm và các khoản  chi phí khác. Ngoài ra, TAND TP Cà Mau còn phải xin lỗi công khai anh Duy tại nơi cư trú, phải đăng xin lỗi trên 3 số báo liên tiếp của một tờ báo Trung ương và báo địa phương.
Đến ngày 10/12/2019, TAND TP Cà Mau ra thông báo trả đơn của Duy, với nội dung: “Chưa đủ căn cứ xác định Nguyễn Anh Duy có phạm tội hay không. Vì vậy TAND TP Cà Mau chưa đủ cơ sở bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự theo yêu cầu của anh Duy”.
Lý do khá phi lý để TAND TP Cà Mau từ chối yêu cầu bồi thường, khi cho rằng vào tháng 7/2016, năm bị cáo (trong đó có anh Duy) đã bị tòa kết án. Còn sau khi tòa xét xử sơ thẩm vào các ngày 21, 22 và 25/11/2019, cả 4 bị cáo bị kết án đều có đơn kháng cáo, chờ xét xử phúc thẩm, do đó chưa đủ căn cứ xác định anh Duy có phạm tội hay không!
Về việc TAND TP Cà Mau không chịu bồi thường oan sai, nhưng lại ra thông báo theo kiểu “ỡm ờ”, phủi trách nhiệm? Luật sư Trần Thị Ánh, Văn phòng Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), khẳng định: “Việc TAND TP Cà Mau thông báo trả đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho Duy là trái quy định pháp luật. Bởi lẽ tại khoản 2 điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) số 10/2017/QH14 của Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017, nêu rõ một trong những căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là quyết định của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường. Trường hợp của Duy đã đủ điều kiện bồi thường theo khoản 3 điều 18. Cơ quan phải chịu trách nhiệm bồi thường là TAND TP Cà Mau theo điểm b khoản 1 điều 36 Luật TNBTCNN”.
Cũng theo luật sư Trần Thị Ánh, việc TAND TP Cà Mau từ chối bồi thường là hoàn toàn sai. Bởi lẽ anh Duy được xác định bị oan bằng quyết định đình chỉ bị can ngày 1/8/2019 của Viện KSND TP Cà Mau. Quyết định của Viện KSND đã thừa nhận không đủ căn cứ kết luận có sự việc phạm tội đối với anh Duy. Đây là một trong những căn cứ đình chỉ thuộc trường hợp không bị khởi tố vụ án hình sự theo điều 157 Bộ Luật Tố tụng Hình sự.
“Về nguyên tắc bồi thường, theo điều 4 Luật TNBTCNN, thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong tố tụng hình sự được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại. Việc này phải được thực hiện kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật” - Luật sư Trần Thị Ánh khẳng định.