Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cà Mau: Thả 6 triệu con giống tái tạo thủy sản xuống vùng rạn nhân tạo

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên vùng biển địa phương, thời gian qua tỉnh Cà Mau đã có nhiều hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản như thả con giống, tạo chỗ trú ngụ để hàng trăm loại hải sản sinh sống.

Ngày 15/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) kết hợp nguồn xã hội hoá đã thả gần 6 triệu con giống xuống biển tại vùng rạn nhân tạo thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Việc thả con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên của ngành nông nghiệp, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản, tránh tình trạng đánh bắt tận diệt dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản ven biển. Đồng thời, từng bước tái tạo nguồn thủy sản có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng.

Thả con giống, tạo chỗ trú ngụ nhân tạo cho tôm cá là hoạt động thường xuyên của Cà Mau trong nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Thả con giống, tạo chỗ trú ngụ nhân tạo cho tôm cá là hoạt động thường xuyên của Cà Mau trong nỗ lực tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản lần này Cà Mau chọn các con giống có chất lượng, khỏe mạnh và có điều kiện sống phù hợp với vùng biển như: tôm sú, cá hồng mỹ, cua, cá chẻm, cá mú, cá hồng bạc…

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Cà Mau đã thả nhiều đợt giống tôm cá xuống sông và khu vực biển để tái tạo nguồn lợi thủy hải sản. Tổng kinh phí thực hiện cho chương trình thả giống và tái tạo nguồn lợi thủy hải sản lên đến hơn 900 triệu đồng.  Cùng với hoạt động thả tôm giống về môi trường thiên nhiên, ngành nông nghiệp Cà Mau cũng tổ chức tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường.

Cùng với các hoạt động thả giống về môi trường tự nhiên, các ngành chức năng cũng đã thả 900 khối rạn bê tông xuống biển trong phạm vi chu vi hơn 5,6km ngoài khơi thuộc vùng biển Cà Mau nhằm tạo ra nơi trú ẩn cho gần 100 loài tôm cá. Ớ các khu vực này, các ghe tàu đánh bắt thủy sản không thể tiếp cận nên đã khiến hệ sinh thái biển tự nhiên nơi đây phát triển, tạo điều kiện cho nhiều nguồn lợi thủy sản được tái tạo và duy trì phát triển.

Trong nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các xã triển khai thực hiện các biện pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng các ngư cụ khai thác, xung điện bắt một cách huỷ diệt làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Song song với hoạt động thả giống về môi trường thiên nhiên, ngành nông nghiệp Cà Mau còn đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân bảo vệ hệ sinh thái, phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, một người dân ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết: “Là một ngư dân, giữ rạn tái tạo nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của mỗi ngư dân. Phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn không đánh bắt gần rạn nhân tạo để có nguồn thủy sản lâu dài cho ngư dân”

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: “Việc thả hàng triệu con giống về vùng biển tự nhiên là hoạt động thường xuyên của ngành NN&PTNT nhiều năm qua nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lâu dài trên vùng biển Cà Mau. Sắp tới, tỉnh sẽ còn tiếp tục duy trì và phát triển thêm từ nhiều nguồn xã hội hóa.”