Cà Mau: Vì sao Bệnh viện Lao và bệnh Phổi còn nợ lương nhân viên?

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được đầu tư xây dựng mới khang trang nhưng Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Cà Mau lại ít bệnh nhân do vướng mắc về quy định khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT), dẫn đến nguồn thu của bệnh viện không đủ chi.

Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Cà Mau đươc đưa vào sử dụng mới từ năm 2021.
Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Cà Mau đươc đưa vào sử dụng mới từ năm 2021.

Ngày 7/7, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiến Khoá - Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Cà Mau xác nhận: “Hiện tại, bệnh viện đang nợ lương chi trả tháng 6 cho nhân viên. Bệnh viện cũng đã có tờ trình gửi Sở Y tế về nhu cầu kinh phí bổ sung thêm để đảm bảo tiền lương năm 2023 với số tiền là 5,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí hoạt động khác. Nguyên nhân là do nguồn thu không đủ chi.”

Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Cà Mau khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 ở ngày làm việc thứ hai, trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Đức Tiến - Phó trưởng Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau đã nêu một số khó khăn, vướng mắc về quy định khám chữa bệnh BHYT và cơ chế tài chính tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. Theo ông Tiến, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Cà Mau chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2022, là bệnh viện chuyên khoa hạng III tuyến tỉnh (tuyến II). Theo quy định, bệnh viện không được phân tuyến là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu cho bệnh nhân có BHYT.

Cụ thể, bệnh nhân có BHYT muốn khám chữa bệnh ngoại trú phải có giấy chuyển viện từ cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (bệnh viện tuyến huyện, Phòng khám Đa khoa,…).

Mặt khác, chuyên khoa bệnh Phổi nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cũng khám và điều trị được nên ít chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Lao và bệnh Phổi để khám, điều trị.

“Từ những trở ngại nêu trên, người dân có BHYT muốn đến khám chuyên khoa tại bệnh viện còn gặp khó khăn; từ đó, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút bệnh nhân đến khám, điều trị. Số lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh BHYT còn ít đồng nghĩa ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện” - ông Nguyễn Đức Tiến nói.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, do số lượng bệnh nhân đến khám ít nên các dịch vụ để tăng thu nhập cho bệnh viện (giữ xe, căn tin, tạp hoá,…) đã đấu thầu 2 lần, nhưng hiện vẫn không có người tham gia. Trong khi đó, số lượng khám, điều trị tại bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có hơn 2.000 người;…

Cũng theo ông Nguyễn Đức Tiến, theo Nghị quyết số 07 năm 2021 của HĐND tỉnh Cà Mau, định mức phân bổ cho khám, chữa bệnh theo tiêu chí giường bệnh đối với bệnh viện hạng III (tuyến tỉnh) được phân bổ 24 triệu/giường bệnh/năm dự toán thu năm 2023, tương đương 2,8 tỷ đồng. Thế nhưng, theo báo cáo của bệnh viện và qua rà soát, đối chiếu các nguồn thu ngân sách đã cấp, nếu không xem xét cấp bổ sung thì bệnh viện không đủ kinh phí để chi trả lương, các khoản phụ cấp và khoản đóng góp theo lương từ tháng 6 đến hết tháng 12/2023.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Đức Tiến kiến nghị UBND tỉnh cần có kiến nghị Trung ương sửa đổi, cho phép việc khám, chữa bệnh BHYT tại tuyến II (bệnh viện hạng III chuyên khoa tuyến tỉnh) khi bệnh nhân đến khám đúng chuyên khoa thì không cần phải có giấy chuyển viện của tuyến III (bệnh viện, Trung tâm Y tế, Phòng khám Đa khoa,…).  Đặc biệt, xem xét Bệnh viện Lao và bệnh Phổi là đơn vị có tính đặc thù để có cơ chế phân bổ kinh phí phù hợp, nhằm đảm bảo bệnh viện hoạt động trong giai đoạn đầu mới thành lập và để có lộ trình bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thu hút bệnh nhân và từng bước thực hiện tốt tự chủ tài chính theo quy định.

Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành rà soát lại đề án, phương án tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập Nhà nước. Đặc biệt là các cơ sở y tế công lập cũng phải tính toán lại phương án tự chủ về tài chính.