So với trước đó, danh mục trên bổ sung tuyến TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo ở miền Nam và 4 tuyến ở các tỉnh miền Trung, gồm: Đà Nẵng - Lý Sơn (Đà Nẵng và Quảng Ngãi), Cửa Tùng - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Vịnh An Hòa - Lý Sơn (Quảng Nam và Quảng Ngãi) và tuyến Cửa Đại - Lý Sơn (Quảng Nam và Quảng Ngãi). Trước đó, các địa phương đề xuất Bộ GTVT bổ sung, công bố các tuyến vận tải trên để phục vụ khai thác vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, du lịch tại địa phương.
Thông tư trên cũng quy định điều kiện của phương tiện vận tải trên tuyến TP Hồ Chí Minh - Côn Đảo tối thiểu từ tàu biển cấp hạn chế II; đối với 4 tuyến miền Trung tối thiểu là phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB hoặc tàu biển cấp hạn chế III trở lên.
Bộ GTVT lưu ý, để tham gia khai thác vận tải khách các tuyến trên, theo quy định hiện hành, đơn vị có nhu cầu khai thác thực hiện đăng ký và được cơ quan quản lý chấp thuận. Cụ thể, gửi hồ sơ đăng ký (gồm bản đăng ký, văn bản thống nhất hoặc hợp đồng với cảng bến đồng ý tiếp nhận phương tiện; bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; đăng ký, đăng kiểm phương tiện) đến Cảng vụ Hàng hải khu vực trực tiếp quản lý tuyến để xin cấp phép. Sau khi nhận hồ sơ, Cảng vụ Hàng hải thống nhất với Sở GTVT địa phương nơi có cảng, bến để cấp phép khai thác vận tải.
Được biết, 34 tuyến từ bờ ra đảo được quy định tại thông tư trên hiện do Cục Hàng hải Việt Nam trực tiếp quản lý. Ngoài ra, hiện có 5 tuyến từ bờ ra đảo được ủy quyền cho Sở GTVT các địa phương quản lý: Cái Rồng - Cô Tô (Quảng Ninh), Hải Phòng - Cát Bà (Hải Phòng), Lan Châu - Hòn Ngư (Nghệ An), Lạch Bạng - Hòn Mê (Thanh Hóa) và Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Tại các tuyến ủy quyền, Sở GTVT địa phương thực hiện quản lý cấp phép phương tiện thủy vào, rời cảng bến; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm tại cảng, bến thủy và quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng luồng tuyến vận tải.