Cả nước mới có 2 địa phương phê duyệt gói hỗ trợ 4.500 tỷ đồng vì nút thắt cần tháo gỡ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hỗ trợ đào tạo nhằm duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ) là chính sách nhân văn và kịp thời của Chính phủ được quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP, với kinh phí 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay cả nước mới chỉ có hai địa phương phê duyệt gói hỗ trợ này, bởi có những nút thắt cần tháo gỡ.

4.500 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021 khiến 12,8 triệu NLĐ từ 15 tuổi trở lên bị mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách, trong đó có nhóm hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1.500.000 đồng/NLĐ/tháng; thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng; tổng kinh phí dự kiến 4.500 tỷ đồng; được triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
Nhóm hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP có tổng kinh phí dự kiến 4.500 tỷ đồng. Trong ảnh: Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang thực hành nghề Công nghệ ô tô. 
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ sẽ tác động trực tiếp đến NLĐ, DN, NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai chính sách này, mới có rất ít số DN, NSDLĐ gửi hồ sơ đề nghị được phê duyệt hỗ trợ. Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – Bộ LĐTB&XH Đào Trọng Độ cho biết: Đến ngày 22/10, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số tỉnh, TP đã xác nhận đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 22 đơn vị để hỗ trợ đào tạo. Hiện có 2 địa phương tiếp nhận và phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho NSDLĐ để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề duy trì việc làm cho NLĐ. Đó là Sở LĐTB&XH Thái Bình phê duyệt quyết định hỗ trợ cho NSDLĐ đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho hơn 600 NLĐ; Sở LĐTB&XH Quảng Bình phê duyệt tiếp nhận hồ sơ của NSDLĐ cho gần 800 NLĐ, trước đó Sở này đã phê duyệt hỗ trợ cho 1 đơn vị.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động sẽ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất. Ảnh: Phạm Hùng.

Tổng cục GDNN đã nêu lên một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này. Do tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp, các DN tập trung cho công tác phòng chống dịch; tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” nên chưa làm hồ sơ thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo. Một số địa phương đã quay lại sản xuất nhưng thiếu lao động. Một số địa phương khi xem xét hồ sơ còn cứng nhắc, yêu cầu NSDLĐ cung cấp thêm các hồ sơ, thủ tục ngoài quy định.
“Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, một số địa phương gặp khó khăn trong việc xác nhận bảo hiểm, xác nhận hồ sơ. Ví dụ như ở TP Hồ Chí Minh, phê duyệt ở 1 nơi nhưng DN lại đóng ở chỗ khác, tổ chức đào tạo cho NLĐ lại ở một nơi.  Một số sở LĐTB&XH khi tiếp nhận hồ sơ thì băn khoăn trong việc việc xác định tính xác thực của phương án, cũng như giảm doanh thu, thay đổi cơ cấu, công nghệ” - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên Đào Trọng Độ cho hay.
Địa phương không làm phát sinh thủ tục, hồ sơ
Để đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, trong thời gian tới, Tổng cục GDNN đề nghị các sở LĐTB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan có hướng dẫn chính sách hỗ trợ NSDLĐ để đào tạo duy trì việc làm cho NLĐ. Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ của NSDLĐ, các địa phương thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 777/QĐ-LĐTBXH ngày 9/7/2021 của Bộ LĐTB&XH, không làm phát sinh thêm bất cứ thủ tục, hồ sơ nào ngoài danh mục quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. “Chỉ có 4 hồ sơ mà NSDLĐ phải nộp cho sở LĐTB&XH là: Xác nhận của BHXH; báo cáo giảm doanh thu; báo cáo thay đổi cơ cấu, công nghệ; phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ”- ông Đào Trọng Bộ nêu rõ.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao là cơ hội của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc kết nối, phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Về phía các cơ sở GDNN, chính sách này là cơ hội trong việc kết nối, phối hợp với DN trong quá trình tổ chức đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ. Vì thế, các cơ sở GDNN cần chủ động, rà soát nắm chắc chính sách để phối hợp với NSDLĐ trong việc xây dựng phương án. Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN PGS.TS Dương Đức Lân cho rằng, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho NLĐ không khó, vì chúng ta đã làm nhiều năm. Nhưng hiện nay mới có hơn 20 DN tiếp cận chính sách hỗ trợ NSDLĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ, tại sao lại chậm thế? có phải DN còn nghi ngại tính hiệu quả và thiết thực?
Vì thế, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam Dương Đức Lân nhấn mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho NLĐ theo hướng cầu để mang lại hiệu quả và thiết thực. Để làm được việc này, các cơ sở GDNN và DN cần phối hợp thống kê xem từng NLĐ thiếu các kỹ năng gì. Trên cơ sở bảng thống kê và tổng hợp, nhà trường tổ chức lớp học theo những NLĐ thiếu các kỹ năng giống nhau và xây dựng các bài giảng phù hợp.
Trước thực tế nhiều DN chưa hiểu rõ về chính sách rất nhân văn và kịp thời của Chính phủ, đại diện Tập đoàn Mường Thanh đề nghị làm tốt hơn công tác truyền thông và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo từng đề mục để NSDLĐ làm hồ sơ. Vị này cũng cho rằng, nếu DN phải làm nhiều mẫu, cuối cùng 100% kinh phí lại được chuyển về cơ sở GDNN thì DN lại mất thời gian đi lấy yêu cầu, xác nhận, sẽ không muốn làm nữa.
Vì đây là chính sách bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ song song tại nhà trường và DN, NSDLĐ mong muốn Tổng cục GDNN làm rõ tỷ trọng đào tạo tại DN và cơ sở GDNN; mỗi bên được hưởng bao nhiêu % kinh phí. Các DN cũng đề nghị cơ sở GDNN nên có danh mục đào tạo, bồi dưỡng những kỹ năng để chủ động tư vấn cho NSDLĐ có sự lựa chọn tốt nhất cho mình.