Cả nước xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông nửa đầu năm 2022

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. Tai nạn giao thông đường bộ chiếm đến 5.637 vụ.

Ngày 15/7, báo cáo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.314 người, bị thương 3.690 người. So với 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù số vụ TNGT giảm mạnh đến 663 vụ (10,41%), giảm 793 người bị thương (-17,69%), tuy nhiên tăng 79 người người chết (2,44%).

Trong 7.703 vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 5.637 vụ, làm chết 3.240 người, bị thương 3.676 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 662 vụ (-10,51%), tăng 58 người chết (1,82%), giảm 797 người bị thương (-17,82%).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 5.703 vụ tai nạn giao thông

Nguyên nhân xảy ra TNGT được Uỷ ban ATGT Quốc gia phân tích trên 3.354 vụ, có 21,27% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 24,9% do không quan sát; 11,5% do chuyển hướng không chú ý; 7,67% do không giữ khoảng cách an toàn; 5,43% do vượt xe sai quy định;

Tiếp đến, 3,48% do vi phạm tốc độ xe chạy; 3,86% do sử dụng rượu bia; 5,07% không nhường đường; 3,42% do người đi bộ qua đường không đúng quy định; 2,65% vi phạm biển báo hiệu đường bộ; 1,62% tránh xe sai quy định; 1,21% do mệt mỏi, ngủ gật; 0,62% không có GPLX hoặc GPLX không hợp lệ; 0,91% vi phạm quy trình thao tác xe; 0,32% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật và 4,99 là các nguyên nhân khác.

Cũng theo Uỷ ban ATGT Quốc gia, đường sắt xảy ra 42 vụ tai nạn, làm chết 29 người, bị thương 11 người. So với cùng kỳ năm trước tăng 4 vụ (10,53%), giảm 1 người chết (-3,33%), tăng 2 người bị thương (22,22%).

Bên cạnh đó, đường thủy xảy ra 20 vụ tai nạn, làm chết 33 người, bị thương 3 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 4 vụ (-16,6%), tăng 18 người chết (120%), tăng 2 người bị thương (200%).

Hàng hải xảy ra 4 vụ tai nạn, làm chết và mất tích 12 người. So với cùng kỳ năm 2021 giảm 1 vụ (-20%), tăng 4 người chết và mất tích (50%), số người bị thương không thay đổi.     

Về lĩnh vực hàng không dân dụng, Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, có tổng cộng 38 tai nạn sự cố hàng không, trong đó có tai nạn mức độ A (trong hoạt động bay huấn luyện, không xảy ra tai nạn trong hoạt động khai thác hàng không thương mại).

6 tháng đầu năm cũng xảy ra 4 sự cố uy hiếp an toàn mức cao mức C, 33 sự cố uy hiếp an toàn mức D. So với cùng kỳ năm 2021, số lượng sự cố hàng không tăng 22,6%.

Thống kê của Uỷ ban ATGT Quốc gia cho thấy, có 30 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 10 địa phương có số người chết giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu, Sơn La, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Thuận, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Thuận. Đặc biệt: Thái Nguyên, Quảng Bình, Lai Châu và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT.

Tuy nhiên, vẫn còn 26 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 12 địa phương có số người chết tăng trên 10% so với cùng kỳ gồm: Bình Định, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Đà Nẵng, Điện Biên, Yên Bái.

Trong đó, có một số địa phương tỷ lệ người chết do TNGT tăng cao cả về số lượng tuyệt đối và số tương đối (%) bao gồm: Bắc Giang (tăng 15 người, tương đương 30%), Hà Nội (tăng 52 người, tương đương 30,4%), Hậu Giang (tăng 8 người, tương đương 32%), Quảng Ngãi (tăng 24 người, tương đương 42,9%), Phú Thọ (tăng 7 người, tương đương 43,8%), Đà Nẵng (tăng 15 người, tương đương 71,4%), Yên Bái (tăng 11 người, tương đương 122%).

Uỷ ban ATGT Quốc gia đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, đường bộ có 13 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội, làm chết 37 người, bị thương 29 người. Trong đó, tỉnh Gia Lai chiếm nhiều nhất với 3 vụ; Thanh Hóa 2 vụ; Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương xảy ra 1 vụ.

Nguyên nhân theo điều tra sơ bộ ban đầu là nạn nhân đi không đúng làn đường, phần đường quy định 1 vụ  tại Thừa Thiên Huế; đi không đúng làn đường, phần đường và chạy quá tốc độ quy định 1 vụ tại Gia Lai; vi phạm quy định về nồng độ cồn 2 vụ ở Tiền Giang và Bắc Giang;

Vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định và không chú ý quan sát 1 vụ ở Gia Lai; vượt xe và chạy quá tốc độ quy định 1 vụ ở Thanh Hóa; chở quá tải trọng phương tiện, quá số người quy định, mất lái khi đi xuống đường đèo, dốc trong điều kiện thời tiết hạn chế tầm nhìn 1 vụ ở Gia Lai; lái xe trong tình trạng mệt mỏi, ngủ gật 1 vụ Bà Rịa – Vũng Tàu; đang điều tra 2 vụ… Ngoài ra, đường thủy có 1 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Nam, làm chết 17 người.