KTĐT - Các tờ báo in ở châu Âu hết hạn duyệt bài khi một phần trong số 33 người được cứu, nhưng nhiều tờ tiếp tục cập nhật trực tiếp qua blog của họ.
Niềm vui sướng vỡ òa khi người thợ mỏ đầu tiên chui lên mặt đất, khuôn mặt người thợ thứ hai thống trị trên các trang báo chí quốc tế, trong cuộc giải cứu thần kỳ ở Chile.
Mang kính râm và trông như sao nhạc rock, Mario Sepulveda, 39 tuổi, đấm vào không trung sau khi chui ra khỏi chiếc lồng sắt đưa anh từ căn hầm sâu 700 m lên mặt đất. Anh ôm lấy Tổng thống Chile Sebastian Pinera và cùng đám đông hô vang.
"Không ai nghĩ người đàn ông mắc kẹt 69 ngày dưới hầm mỏ sẽ mang quà lên. Nhưng chỉ giây lát saukhi ra khỏi khoang cứu hộ, Mario Sepulveda, 39 tuổi, thò tay vào chiếc túi màu vàng và lôi ra những cục đá, quà cho những người cứu hộ", tờ Sydney Morning Herald viết.
Tờ Sun của Anh gọi anh là "Super Mario" và nhắc đi nhắc lại rằng Mario là cây hài của nhóm. Chính Mario trước đó đã yêu cầu các nhân viên cứu hộ gửi búp bê tình dục xuống cho đồng nghiệp của anh.
Tờ báo này đăng tải bài viết chính dưới tiêu đề "Lên, lên, lên rồi" trong khi nhiều tờ khác như New York Times cập nhật liên tục tít bài mỗi khi một người thợ nữa được đưa lên mặt đất.
Các tờ báo in ở châu Âu hết hạn duyệt bài khi một phần trong số 33 người được cứu, nhưng nhiều tờ tiếp tục cập nhật trực tiếp qua blog của họ.
"José Ojeda là người thứ 7 được giải cứu. Anh vẫy quốc kỳ Chile dính đầy bùn đất. Anh thật bình tĩnh và sau đó nở nụ cười tươi rồi ôm lấy cô con gái riêng của vợ", blog của tờ Guardian viết.
Khi người thứ 8 lên mặt đất, tờ Spiegel của Đức giật tít "Phép màu nơi sa mạc" còn tờ La Tribune của Pháp đưa tin về vụ giải cứu ở vị trí số hai, trong khi nước này đang có cuộc biểu tình rầm rộ.
Tờ El Mundo của Tây Ban Nha đăng ảnh đen trắng của 33 thợ mỏ và khi mỗi người lên mặt đất, ảnh của họ chuyển sang màu dưới dòng tít "Chào mừng trở lại cuộc sống".
Báo chí Astralia nhắc lại vụ hai thợ mỏ nước này mắc kẹt dưới mỏ vàng sâu gần 1 km suốt hai tuần ở Tasmania cách đây 4 năm. Hai người thợ, Todd Russell và Brant Webb xuất hiện như những người hùng sau khi được giải thoát nhưng kể từ đó phải vật lộn để sống tiếp. "Những người Chile này sẽ phải quên dần (chuyện này) đi, bởi nếu không (các suy nghĩ về biến cố đó) sẽ tích tụ nó như quả bom nổ chậm và có thể làm tan vỡ hôn nhân, gia đình và cuối cùng là chính bản thân họ", Webb phát biểu trên Sky News.
Tờ Times Live của Nam Phi gọi những người thợ mỏ này là anh hùng với dòng tít: "Cả thế giới nín thở vì những người hùng Chile".
Một độc giả của tờ này bình luận: "Chính phủ Nam Phi cần học tập sự hết lòng hướng tới thành công như thế. Tôi thực sự ấn tượng. Họ không quản chi phí để cứu mạng người. Mọi thứ lẽ ra phải như thế. Hoan hô chính phủ Chile".