Các bệnh viện rốt ráo phòng, chống dịch Covid-19

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với sự biến chủng của virus, tốc độ lây lan nhanh, các bệnh viện (BV) đã chủ động ngăn chặn, phòng ngừa ngay từ vòng ngoài.

Bệnh viện Thận Hà Nội siết chặt phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú
Nâng cao mức phòng dịch
Nhằm sàng lọc tối đa nguồn lây Covid-19 và thiết lập BV an toàn cho người dân khi đi khám chữa bệnh (KCB), BV Đa khoa Xanh Pôn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch. Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, để giảm tải và tránh ùn tắc khi đo thân nhiệt, BV đã lắp đặt hệ thống đo thân nhiệt tự động tại khu vực cổng số 5. Hệ thống này giúp 100% số người bệnh và người nhà người bệnh đến thăm khám sẽ được đo thân nhiệt ngay tại cổng. Trường hợp nào có dấu hiệu lâm sàng, yếu tố dịch tễ, BV sẽ tiến hành sàng lọc và cách ly. Đây là biện pháp an toàn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.

Trong khi đó theo Giám đốc BV Thận Hà Nội Phan Tùng Lĩnh, những ngày cận Tết, bệnh nhân đến khám không tăng so với ngày thường. Số lượng bệnh nhân lọc máu theo chu kỳ đã được kiểm soát. Tại thời điểm này, BV đã xây dựng các phương án sẵn sàng phòng chống dịch một cách tốt nhất với tinh thần cảnh giác, kiểm soát chặt đầu vào, phân luồng dịch tễ, yêu cầu nhân viên, bệnh nhân, người nhà người bệnh thực hiện khuyến cáo “5K”. BV cũng siết chặt việc kiểm tra quy trình, rà soát đồ bảo hộ nhân viên với phương châm “4 tại chỗ”. “BV siết chặt, hạn chế tối đa những người vào BV không cần thiết. Hiện tại, BV quy định những trường hợp bệnh nặng mới có người nhà vào chăm sóc, cam kết phục vụ bệnh nhân trong thời gian dài, ra vào phải có thẻ và mặc áo của BV quy định” – ông Phan Tùng Lĩnh cho biết.

Còn tại BV Phụ sản Hà Nội, từ ngày 28/1/2021, khi Bộ Y tế công bố 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên ở đợt dịch này, BV đã phân luồng một chiều ngay từ cổng vào. Toàn bộ bệnh nhân và người nhà vào BV bằng cổng số 1 và đi ra bằng cổng số 2. Bên cạnh đó, BV tạm dừng việc thăm người bệnh. Mỗi người bệnh chỉ được một người nhà ở lại chăm sóc trong quá trình nằm viện. Đặc biệt, BV yêu cầu những trường hợp đã từng đi đến, về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế online. Ngoài ra, công tác sàng lọc, phân luồng tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh được BV thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm.

Quyết tâm bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch

Nhận định thời gian tới, Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới ngoài cộng đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu các BV trực thuộc tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, các sơ sở KCB chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vật tư... đáp ứng cho KCB và phòng chống dịch. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo trang thiết bị bảo hộ phòng tránh lây nhiễm chéo.

“Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các BV phải có phương án cách ly khi có ca bệnh, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống Covid-19 tại khoa, phòng. Đặc biệt, BV xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không tuân thủ quy định phòng chống dịch”- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin thêm.”
Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vaccine AstraZeneca - là vaccine Covid-19 đầu tiên được lưu hành tại Việt Nam. Trước mắt, trong quý I/2021, 50.000 liều vaccine đầu tiên sẽ về đến Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay sẽ có khoảng 30 triệu liều được cung cấp cho Việt Nam. Đối với vaccine trong nước, vaccine Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 ngay đầu tháng 2/2021. Vaccine Covivax của Viện vaccine và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) đã được khởi động thử nghiệm giai đoạn 1 ngày 21/1/2021 và dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2/2021 để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 trong tháng 3/2021.