Các biện pháp trừng phạt Nga của EU phản tác dụng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những biện pháp trừng phạt Moscow, hàng nhập khẩu từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU) vẫn tăng vọt thời gian gần đây.

Thành viên Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt. Ảnh: AFP
Thành viên Nghị viện châu Âu Guy Verhofstadt. Ảnh: AFP

Ông Guy Verhofstadt, thành viên Nghị viện châu Âu nhận định rằng các lệnh trừng phạt của EU dành cho Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine đã hoàn toàn thất bại. Nga như đang được "thưởng" khi xuất khẩu của họ vào khối này tăng mạnh.

Trên trang Twitter hôm 4/1, ông Verhofstadt, người từng là Thủ tướng Bỉ (1999-2008) và thành viên Nghị viện châu Âu (MEP) từ năm 2009, khẳng định tác động 9 gói trừng phạt của EU lên Nga rất nhỏ bé và vô nghĩa.

Ông cho rằng những nỗ lực trừng phạt Nga đã dẫn đến kết quả trái ngược. "Chúng ta đang thưởng cho Nga vì cuộc chiến chống lại chúng ta," RT dẫn lời nghị sĩ Verhofstadt.

Ông cũng dẫn ra một biểu đồ kim ngạch thương mại giữa Nga và EU từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Theo đó, biểu đồ sử dụng dữ liệu từ Eurostat cho thấy hầu hết các nước EU, trong đó có Đức, Pháp, Italia và Ba Lan đã tăng đáng kể nhập khẩu từ Nga. Trong khối, chỉ có 7 nước EU nhập khẩu ít hơn từ Moscow.

Sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, EU đã áp lệnh trừng phạt chưa từng có lên Moscow, nhắm vào toàn bộ nền kinh tế nước này.

Ngày 16/12 vừa qua, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga, đưa thêm gần 141 cá nhân và 49 tổ chức vào danh sách đen. Gói trừng phạt mới của EU đối với Nga bao gồm việc hạn chế xuất khẩu động cơ máy bay không người lái (UAV) sang Nga hoặc các nước định cung cấp vũ khí cho Moskva. Một số công nghệ hàng không vũ trụ cũng bị cấm xuất khẩu cho Nga.

Cũng trong tháng 12/2022, EU cùng với các nước G7 và Australia đã áp giá trần dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng. Phản ứng trước việc này, tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga cho các quốc gia áp lệnh hạn chế.

Các lệnh trừng phạt Nga đã khiến cuộc khủng hoảng năng lượng của EU tồi tệ hơn, đẩy giá nhiên liệu và chi phí sinh hoạt tăng cao. Điều này đã dẫn đến một số cuộc biểu tình phản đối chính sách trừng phạt tại một số nước EU.

Trong thông điệp mừng Năm mới, Tổng thống Vladimi Putin khẳng định cuộc chiến trừng phạt toàn diện của phương Tây nhằm vào Moscow phần lớn đã thất bại trong việc làm suy yếu nền kinh tế Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần