Các cấp chính quyền có sẵn sàng ứng dụng CNTT vào dịch vụ công?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Một DN sau khi nhận giấy phép đầu tư vẫn muốn "cảm ơn" cán bộ nhưng...

Kinhtedothi - "Một DN sau khi nhận giấy phép đầu tư vẫn muốn "cảm ơn" cán bộ nhưng loay hoay không thể gặp được ai vì mọi thủ tục đều đã hoàn tất qua mạng công nghệ thông tin (CNTT)". Câu chuyện này được ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kể lại như một minh chứng cho thấy lợi ích của việc ứng dụng CNTT vào dịch vụ công tại địa phương.

Tránh tiêu cực

Theo ông Đặng Huy Hậu, chính nhờ các dịch vụ công đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhiều thủ tục phiền hà đã được giảm bớt, tiết kiệm thời gian cho người dân và DN, quan trọng nữa là góp phần đẩy lùi vấn nạn nhũng nhiễu trong đội ngũ cán bộ công chức. "Ban đầu việc ứng dụng này cũng vấp phải rào cản từ chính những cán bộ thực thi, vì quyền lợi của bản thân, vì lợi ích nhóm nên họ không hợp tác. Tuy nhiên, tỉnh rất quan tâm và quyết liệt trong việc thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính thông qua các ứng dụng CNTT để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội" - lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ. Thành công bước đầu của Quảng Ninh là 90% người dân bày tỏ hài lòng với nền hành chính công của tỉnh.

 
Áp dụng công nghệ thông tin tại Cục Hải quan Quảng Ninh.     Ảnh: Xuân Hương
Áp dụng công nghệ thông tin tại Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: Xuân Hương
Không riêng Quảng Ninh, nhiều địa phương cũng đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Tại Hà Nội, những năm qua, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn TP đã có bước phát triển đáng kể, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng cơ quan điện tử Thủ đô. Bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, các ứng dụng phục vụ người dân và DN được Hà Nội hết sức quan tâm. Theo đó, 100% sở, ngành, quận, huyện thị xã có cổng/trang thông tin điện tử, cung cấp 113 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và một dịch vụ công mức 4, thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ giao dịch qua mạng. Một số quận, huyện, thị xã hỗ trợ trạng thái giải quyết thủ tục hành chính trên cổng/trang thông tin điện tử; 18/21 sở, ban, ngành và 100% quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử", 11 quận, huyện triển khai phần mềm này tới các phường, xã. Nhờ vậy, liên tục trong 2 năm (2012 - 2013), Hà Nội được xếp vị trí thứ 2 trên toàn quốc về mức độ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước do Bộ TT&TT công bố.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc), đại diện Hiệp hội Công nghệ Dịch vụ CNTT Đài Loan cho biết, các ứng dụng CNTT được nước này đưa vào hầu hết các lĩnh vực như giao thông, các trường học, bệnh viện... Có thể nói, CNTT đã giúp Đài Loan vận hành các bệnh viện thông minh, tạo ra hệ thống thẻ khám bệnh thông minh, phát triển hệ thống chăm sóc y tế tại gia đình, hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh...

Cần cơ chế thực hiện

Ông Phạm Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống Thông tin FPT, đơn vị đang cung cấp nhiều giải pháp CNTT cho ngành thuế, hải quan, kho bạc... cho rằng, trở ngại lớn nhất trong quá trình triển khai các ứng dụng CNTT chính là tư duy của đội ngũ cán bộ từ cấp lãnh đạo cho đến cán bộ thực thi ở ngành, địa phương. Trước đây, mọi công đoạn đều làm hoàn toàn bằng tay, ghi chép trên sổ sách, nhưng nay có thể số hóa điện tử, bỏ qua được nhiều bước không cần thiết, điều này khiến cho những người muốn kiểm soát theo lối cũ rất khó chịu và tìm cách cản trở.

Một trở ngại nữa trong việc ứng dụng CNTT vào dịch vụ công mà nhiều địa phương đang gặp phải là thiếu hụt nguồn lực CNTT. Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Trưởng ban IT&VAS của Tập đoàn VNPT, để giải quyết khó khăn này cần phát triển hình thức thuê dịch vụ CNTT. Đại diện của VNPT cho rằng, chính sách thuê dịch vụ CNTT cần được thể chế hóa, tạo môi trường để các DN CNTT tham gia bình đẳng vào việc cung cấp dịch vụ cho chính quyền. Hiện, VNPT đã hoàn thiện Hệ thống một cửa điện tử giúp giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước theo cơ chế một cửa tại Bắc Ninh, Tiền Giang. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc điện tử, giúp hiện thực hóa một văn phòng điện tử không giấy tờ tại tỉnh Tiền Giang, Bình Phước, Văn phòng Quốc hội... Công ty FPT IS cũng cho biết đã thắng trong cuộc đấu thầu cung cấp phần mềm thuế ở Bangladesh, đây là sản phẩm dựa trên nền tảng phần mềm thuế đã được FPT triển khai thành công tại Việt Nam...

Đánh giá về năng lực của các DN CNTT trong nước, giới chuyên gia cho rằng, nhìn chung các DN Việt Nam có thực lực và kinh nghiệm để "bắt tay" với cơ quan Nhà nước trong việc phát triển dịch vụ công điện tử. Vấn đề chỉ là các cấp chính quyền có sẵn sàng "giao việc" cho DN hay không?