Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cấp Công đoàn Hà Nội: Chăm lo thiết thực cho người lao động

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nhiều khó khăn nhất là ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, năm nay, các cấp Công đoàn TP triển khai rất nhiều giải pháp đổi mới, thiết thực chăm lo tốt hơn cho người lao động (NLĐ).

Nhiều hoạt động trong “Tháng Công nhân”

“Tháng Công nhân” năm 2021 kéo dài đến 31/5, theo tinh thần chỉ đạo của T.Ư và phù hợp đặc thù TP với nhiều hoạt động phong phú, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 nên đặt mục tiêu phải thực sự hiệu quả, thiết thực với NLĐ.

Theo Ban Thường vụ LĐLĐ TP, năm nay "Tháng Công nhân" của TP có điểm mới là gắn với phát động hưởng ứng “Tháng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ)”, gồm các hoạt động nổi bật: Tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, cho 100 công nhân và NLĐ bị tai nạn lao động; tổ chức báo công tại Lăng Bác và tuyên dương 100 công nhân giỏi, 50 sáng kiến tiêu biểu Thủ đô (sáng 15/5); gặp mặt giữa Chủ tịch UBND TP với 75 công nhân giỏi và NLĐ có sáng kiến tiêu biểu nhất (chiều 15/5). Buổi gặp mặt nhằm tạo diễn đàn cho NLĐ nêu kiến nghị lãnh đạo TP quan tâm hơn đến những NLĐ có tay nghề cao, là nội dung mới (mọi năm thường tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo TP với đại diện công nhân, công đoàn cơ sở (CĐCS) và chủ sử dụng LĐ nói chung ở các KCN để nêu đề xuất liên quan chế độ chính sách trong đời sống hằng ngày).
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Nguyễn Phi Thường thăm khu khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long.
Cùng trong “Tháng Công nhân”, LĐLĐ TP sẽ tổ chức tuyên truyền vận động DN bố trí cho NLĐ đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử (23/5), với đặc thù trên địa bàn có không ít DN lớn hàng vạn công nhân, nhiều DN chưa hiểu về Luật Bầu cử.

Song song các hoạt động cấp TP, LĐLĐ TP cũng đề nghị 45/45 công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức Tháng Công nhân, với các hoạt động hỗ trợ tặng quà và hưởng ứng Tháng ATVSLĐ. LĐLĐ TP và Sở LĐTB&XH sẽ lập 2 đoàn kiểm tra tại các DN trên địa bàn về đảm bảo ATVSLĐ.

Đẩy mạnh xây dựng thỏa ước lao động tập thể

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng khẳng định: Năm nay trong bối cảnh rất nhiều thách thức, đòi hỏi các hoạt động chăm lo NLĐ cần thực sự đổi mới, hiệu quả. Ban Thường vụ LĐLĐ TP đã họp lại, đặt ra 5 trọng tâm trong công tác năm gồm: Chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ, nâng cao chất lượng cán bộ CĐCS mà trực tiếp chủ tịch CĐCS, tuyên truyền cho CNVCLĐ hiểu chủ trương chính sách đặc biệt liên quan Đại hội Đảng toàn quốc và cuộc bầu cử, quan tâm đội ngũ cán bộ CĐCS, rà soát chỉ tiêu trong nhiệm kỳ.

Đáng chú ý, một điểm rất mới là năm nay LĐLĐ TP thực hiện đề án thí điểm đẩy mạnh xây dựng thỏa ước lao động tập thể (LĐTT) trong khối DN (là thương lượng giữa người sử dụng LĐ và công đoàn (đại diện NLĐ), gồm những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, đảm bảo quyền lợi cho CĐCS và NLĐ nếu xảy ra tranh chấp). Theo ông Lê Đình Hùng, nhiều năm qua, số thỏa ước LĐTT tại Hà Nội mới đạt 35% trong 5.300 CĐCS khối DN ngoài KVNN. Năm nay, mỗi thỏa ước được TP chấm loại A sẽ được thưởng 8,5 triệu đồng (trực tiếp cho CĐCS, công đoàn cấp trên cơ sở, Chủ tịch CĐCS, cán bộ trực tiếp làm).
Số tiền không lớn nhưng là cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn TP là hết năm 2023 đạt 70% số CĐCS có thỏa ước LĐTT. Mấy năm qua tại một số DN khi xảy ra tranh chấp giữa người sử dụng LĐ và NLĐ, rất nhiều điều khoản về phúc lợi tốt hơn cho NLĐ đưa vào thỏa ước đã được thực hiện. “Tỷ lệ thỏa ước tăng lên đồng nghĩa với quyền lợi NLĐ được bảo vệ tốt hơn. Các thỏa ước có hiệu lực từ 1 - 3 năm. Trong 4 tháng đầu năm nay tại các CĐCS toàn TP, hơn 500 bản thỏa ước LĐTT đã được xây dựng, tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái” - ông Lê Đình Hùng chia sẻ.

Dù vậy, để có thể thực hiện hóa mục tiêu tăng tỷ lệ CĐCS có thỏa ước LĐTT, một số ý kiến cho rằng, cần giải quyết không ít vấn đề hiện nay. Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng chia sẻ, trên địa bàn quận đã có 174/215 DN có thỏa ước này (đạt 81%), đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho NLĐ, phù hợp điều kiện của DN, tập trung vào những vấn đề: Tiền lương, chế độ phúc lợi, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất... “Thương lượng tập thể được coi là chìa khóa giúp giảm thiểu, giải quyết mâu thuẫn và được ví như một “Bộ luật lao động con” tại mỗi DN. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước LĐTT, Tổng LĐLĐ cần kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định việc ký kết thỏa ước là hình thức bắt buộc (hiện mới bắt buộc việc thương lượng); đồng thời LĐLĐ TP cần tổ chức nhiều tập huấn, đào tạo chuyên gia thương lượng, ký kết thỏa ước LĐTT”- bà Hằng đề xuất.

Chuyên nghiệp hóa cán bộ công đoàn

Còn theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Asti Hà Nội Nguyễn Đức Nhân, là DN nước ngoài 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, với 1.250 CBCNV, năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên lợi nhuận của DN bị ảnh hưởng, khiến việc thương lượng về lương, thưởng gặp nhiều khó khăn.
Song, sau rất nhiều cuộc làm việc, BCH CĐCS đã thương lượng thành công, tăng mức thưởng từ 0,5 lên 1,8, qua đó, NLĐ ngày càng thấy rõ vai trò của công đoàn trong đại diện bảo vệ được quyền lợi cho mình. Từ đó, ông Nhân đề nghị các cấp, ngành chức năng chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ CĐCS có tố chất, dám đấu tranh; công đoàn cấp trên thường xuyên đến làm việc với CĐCS để giúp tăng thêm “tầm” của CĐCS đối với lãnh đạo DN và NLĐ.

Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam Phan Thanh Hải đề xuất, để đạt được hiệu quả trong ký kết thỏa ước LĐTT tại DN cần dựa trên cơ sở các bên chủ động thương lượng; mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ, tổ chức công đoàn và DN; những nội dung đưa ra trong thỏa ước phải đáp ứng được tiêu chí của cả NLĐ và DN, tránh kỳ vọng quá lớn sẽ dễ bị bãi bỏ…

Trong tháng 4/2021, Ban Thường vụ đã ủy quyền Trung tâm Tư vấn pháp luật đại diện khởi kiện cho trường hợp 1 đoàn viên làm việc tại DN có vốn nước ngoài không được nhận lương gần 1 năm qua (lên tới hàng tỷ đồng). Năm ngoái, Trung tâm theo kiện 27 vụ cho 27 công nhân, đòi lại được trên 900 triệu đồng.

“Chúng tôi có quan điểm, dù thực hiện hoạt động gì thì tổ chức công đoàn luôn phải là cầu nối giữa NLĐ và chủ sử dụng LĐ. Bởi, DN kinh doanh hiệu quả thì NLĐ mới có việc làm, thu nhập. Đòi hỏi chủ DN chăm lo cho mình nhưng NLĐ cũng phải thực hiện tốt các phong trào thi đua, và từ đó các sáng kiến sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng lao động, đưa DN phát triển. Hai bên đều cần có trách nhiệm với nhau” - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng chia sẻ.

"Tổng kết đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, nhờ được các tổ chức công đoàn tuyên truyền, nhiều NLĐ đã rất thấu hiểu, không còn đòi hỏi quá đáng, sẵn sàng giảm 30 - 50% tiền lương, làm việc giãn cách, thậm chí không lấy lương/thưởng để hỗ trợ DN lúc khó khăn. Qua đó cho thấy vai trò rất lớn của tổ chức công đoàn" - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng