Ký kết hợp tác tuyển sinh
Theo phương án tuyển sinh xây dựng trước đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích các ĐH Quốc gia, ĐH vùng, các trường ĐH/nhóm trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ, góp phần chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu. Trên cơ sở đó, năm 2022 sẽ đánh dấu sự vượt trội của kỳ thi đánh giá năng lực (của ĐH Quốc gia Hà Nội) và đánh giá tư duy (của ĐH Bách khoa Hà Nội) bằng việc nhiều trường sử dụng kết quả của hai kỳ thi này trong công tác tuyển sinh.
|
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân chủ trì hội nghị khai thác sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT trong tuyển sinh ĐH với sự tham gia của 50 trường ĐH, học viện |
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội là tăng thêm một kênh tuyển sinh tin cậy, đúng như thông lệ quốc tế cũng đã làm. Đến nay đã có gần 50 cơ sở ĐH sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài việc sử dụng kết quả này để tuyển sinh cho các trường thành viên, ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức hoặc cung cấp kết quả thi cho các trường khác tuyển sinh năm tới và việc phối hợp khai thác kết quả thi của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể áp dụng theo nhiều mức.
Với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện có 8 trường ĐH sẽ sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2022 của trường để xét tuyển. Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì “số trường sử dụng kết quả kỳ thi này sẽ được mở rộng trong thời gian tới”.
Trước sự hợp tác của các trường trong công tác tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn bày tỏ, Bộ GD&ĐT rất hoan nghênh chủ trương này; làm sao để có ít kỳ thi nhưng đã thi là phải tin cậy, chất lượng, đảm bảo công bằng. Đây sẽ là chìa khóa để thành công, đặc biệt trong công tác tuyển sinh của những năm tới. Bộ sẽ sửa đổi quy chế theo hướng đơn giản, không đi quá chi tiết nhưng đề ra những nguyên tắc theo đúng quy định của pháp luật.
Còn Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho hay, trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hỗ trợ các trường ĐH trong công tác tuyển sinh. Năm 2022, các trường vẫn sử dụng bộ cơ sở dữ liệu từ phía Bộ GD&ĐT, nhất là phần điểm thi, học bạ, phần mềm tuyển sinh, phần mềm lọc ảo… Những cải tiến (nếu có) sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường, cho thí sinh.
Ưu điểm của hai kỳ thi
Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Tiến Thảo cho biết: Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá ba nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình THPT gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực Toán, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
|
Năm 2022, nhiều trường ĐH sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy trong tuyển sinh |
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có 150 câu hỏi thi, mức điểm tối đa 150, thời gian thi trong 195 phút. Bao gồm phần Tư duy định lượng (Toán học, Thống kê và Xử lý số liệu), với 50 câu làm trong thời gian 75 phút; phần Tư duy định tính (Văn học, Ngôn ngữ), với 50 câu hỏi làm trong 60 phút và phần Khoa học tự nhiên - xã hội (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa) với 50 câu, làm trong 60 phút. Bài thi đánh giá năng lực sẽ làm trên máy, có thể linh hoạt tổ chức ở nhiều địa điểm, thời điểm khác nhau. Theo kế hoạch, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022. Ngay trong tháng 1/2022, học sinh lớp 12 có nhu cầu và thí sinh tự do trên cả nước có thể đăng ký tham dự đợt 1 của kỳ thi.
Còn với kỳ thi đánh giá Tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phong Điền thì bài thi năm nay sẽ có nhiều điểm mới. Bài thi tổ hợp diễn ra trong 270 phút, gồm ba phần: Phần bắt buộc với môn Toán và Đọc hiểu (120 phút); phần tự chọn 1 gồm các môn Khoa học tự nhiên: Lý, Hóa, Sinh (90 phút); phần tự chọn 2 là môn Tiếng Anh (60 phút) hoặc có thể quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS. Phần thi bắt buộc được tổ chức vào buổi sáng, hai phần tự chọn tổ chức vào buổi chiều để đảm bảo các thí sinh có thể thi cả ba phần. Về hình thức, để các thi sinh không bỡ ngỡ, bài thi đánh giá năng lực được thi trên giấy, các câu hỏi là trắc nghiệm và trả lời trên phiếu như thi THPT. Riêng môn Toán có một phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của thí sinh.
Theo dự kiến, kỳ thi tư duy 2022 diễn ra trong một ngày, sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại bốn địa điểm thi thuận lợi cho học sinh gồm: Hà Nội (ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm), Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ. ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị điều phối, chủ trì tổ chức hai buổi thi thử online trên hệ thống tổ chức thi với cam kết mức độ khó, phân loại học sinh tương đương đề thi thật. Lịch thi thử dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 và tháng 3/2022 để thí sinh làm quen với đề và có kế hoạch học ôn.
Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho rằng: Việc càng có nhiều trường ĐH tham gia sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực thì tính cộng hưởng của kỳ thi càng cao, hiệu ứng xã hội càng cao, các trường càng tuyển được nhiều thí sinh có năng lực phù hợp tốt nhất với yêu cầu của từng trường, từng chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, dữ liệu phân tích kết quả thi năm 2021 cho thấy, bài thi đánh giá năng lực là công cụ khảo thí hữu hiệu để phân loại, đánh giá năng lực học sinh sau khi tốt nghiệp THPT; phục vụ tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; hướng nghiệp cho học sinh…
Còn Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điển khẳng định, kỳ thi tư duy cung cấp dữ liệu để xét tuyển đại học như một phương thức riêng biệt. Đối với ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi đánh giá tư duy có tính phân loại cao, giúp những ngành nổi trội có được sinh viên xuất sắc, đáp ứng tính khắt khe trong tuyển chọn.
Tại phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022 của Bộ GD&ĐT nêu rõ: Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh; khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. |