Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các cường quốc và Iran quyết duy trì thương mại nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước đã ký Thỏa thuận hạt nhân với Iran ngày 24/9, cam kết tiếp tục tìm giải pháp hạn chế lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tehran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini khẳng định, Iran có nhiều lý do để ở lại với Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 cho dù Mỹ đã rút rui.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini.
Các cường quốc còn lại trong Thỏa thuận hạt nhân Iran, gồm Anh, Trung Quốc, Đức, Nga tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm một cơ chế đặc biệt để duy trì thương mại với Tehran, kể cả dầu mỏ, sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện ký từ năm 2015 và tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran.
Phát biểu sau cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Anh, Trung Quốc, Đức, Nga và Iran tại Liên Hợp quốc vào tối 24/9, bà Mogherini tuyên bố các nước còn lại của Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ thảo luận về sự cần thiết cần tiếp tục thực thi thỏa thuận này và các bước đi cụ thể của Iran để có thể gỡ bỏ các lệnh cấm vận.
"Các nước tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran hoan nghênh các đề xuất thực tế để duy trì và phát triển các kênh thanh toán, đặc biệt là sáng kiến thiết lập một phương tiện chuyên dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản thanh toán liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu của Iran, bao gồm dầu mỏ", bà Federica Mogherini phát biểu với các phóng viên sau một cuộc họp ngày 24/9.
Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa thể đưa ra một khuôn khổ pháp lý khả thi để bảo vệ các công ty của khối này trước các lệnh trừng phạt của Mỹ dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 tới, nhằm ngăn chặn hoàn toàn doanh thu bán dầu của Iran.
Thay vào đó, các cường quốc châu Âu cùng với Nga và Trung Quốc đang tìm kiếm một giải pháp nhằm đảm bảo Tehran vẫn có nguồn thu từ việc bán dầu thô.
Theo báo cáo, kim ngạch thương mại EU - Iran hiện đang đạt mức 2 tỷ euro (khoảng 2,35 tỷ USD) trong một tháng, song con số này được dự báo sẽ giảm mạnh khi các công ty lớn của châu Âu rút khỏi thị trường Tehran và xuất khẩu dầu của Iran chịu tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ.
Các tập đoàn lớn của EU gồm Peugeot, Renault, Deutsche Telekom và Airbus tuyên bố rút khỏi Iran từ hồi tháng 5, trong khi đó các hãng hàng không Air France và British Airways cũng dừng hoạt động tại nước này do lượng khách giảm mạnh. Công ty A.P. Moller-Maersk của Đan Mạch cũng thông báo sẽ ngừng vận chuyển dầu của Iran.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vì cho rằng thỏa thuận này không hoàn thiện bởi nó không hạn chế được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và sự ủng hộ của nước này đối với các đồng minh tại Syria, Yemen, Lebanon và Iraq.
Mỹ đang áp dụng một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran và từ ngày 5/11 tới sẽ bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa nhằm buộc các nước ngừng mua dầu của Iran.