Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương phải tích cực vào cuộc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 1512/QĐ - BGTVT về việc kiểm tra công tác thực hiện kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) trên đường bộ, hoạt động của lực lượng liên ngành GTVT - Công an tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.

Các địa phương phải tích cực vào cuộc - Ảnh 1
Theo đó, Thanh tra Bộ GTVT sẽ thành lập các đoàn thanh, kiểm tra các trạm cân và trung tâm đăng kiểm để giám sát, phát hiện các sai phạm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT (ảnh bên).

Xin ông cho biết mục đích của Quyết định 1512 vừa ban hành?

- Sau hơn một tháng triển khai trên phạm vi cả nước, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác KSTTX đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi, do chính quyền địa phương còn buông lỏng kiểm soát để phương tiện chở quá tải trọng vẫn lưu thông trên đường bộ. Tình trạng lái xe tránh các trạm kiểm tra tải trọng trên quốc lộ, chạy vào các tuyến đường địa phương vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến kết cấu cầu, đường, gây mất trật tự, ATGT, khiến cho dư luận bức xúc… Quyết định 1512 được ban hành nhằm đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định trong quản lý, thanh kiểm tra, xử lý các phương tiện quá tải trọng tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động nhằm chỉ ra những việc làm được để tiếp tục phát huy, phát hiện các tồn tại, vướng mắc, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Từ đó, sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan.

Trong quá trình thanh kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT tập trung vào những vấn đề nào, thưa ông?

- Thanh tra Bộ GTVT sẽ tập trung kiểm tra các nội dung chính như, công tác triển khai thực hiện các Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, kiểm soát tình trạng phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá tải trọng và chở quá số khách cho phép. Kiểm tra việc ban hành các văn bản chỉ đạo công tác siết chặt KSTTX, việc cấp giấy phép (nếu có) và quản lý các phương tiện tải trọng lớn hoạt động trên đường của Sở GTVT…

Ngoài ra, cũng sẽ kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của lực lượng Thanh tra GTVT và Công an tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động với sự phối hợp với các lực lượng khác; Các biện pháp, kết quả đấu tranh ngăn chặn các hành vi tiêu cực của người thực thi công vụ. Tiếp đó là việc triển khai hoạt động của các Trạm cân lưu động. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như địa điểm, nhân sự, thời gian hoạt động, quy chế phối hợp giữa các lực lượng, ý thức chấp hành của các phương tiện…
  Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm cân lưu động xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.     Ảnh: Vân Trịnh
Kiểm tra tải trọng xe tại Trạm cân lưu động xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín. Ảnh: Vân Trịnh
Theo ông, các địa phương phải làm gì để đáp ứng được những yêu cầu mà Quyết định đề ra?

- Hiện tại, Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư nêu rõ những nội dung cần phải làm để phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT khảo sát đánh giá tình hình hoạt động quá tải trên các tuyến đường của địa phương, có biện pháp ngăn chặn, xử lý; Thống kê các văn bản đã ban hành để thực hiện chỉ đạo KSTTX theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; Danh sách cấp phép cho các xe có trọng tải lớn hoạt động trên đường giao thông; Danh sách các đơn vị xếp, vận chuyển hàng quá tải trên địa bàn; Lực lượng tham gia hoạt động KSTTX ở các trạm cân; Kết quả xử lý vi phạm… Sau đó, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các hạng mục để xác định thực trạng vi phạm và có những biện pháp cụ thể để xử lý.

Vậy, đến bao giờ Thanh tra Bộ sẽ thực hiện thanh, kiểm tra ở các địa phương, thưa ông?

- Theo Quyết định 1512 có 2 đối tượng tra chính là Sở GTVT các địa phương và khu đặt trạm cân lưu động. Thời gian thực hiện thanh, kiểm tra sẽ kéo dài hết năm 2014. Đối với các Sở GTVT, thời gian thanh, kiểm tra sẽ do các trưởng đoàn quyết định và được thông báo trước ít nhất một ngày. Đối với việc thanh kiểm tra ở các trạm KSTTX, Thanh tra Bộ GTVT sẽ kiểm tra 24/24 giờ và không báo trước thời gian thực hiện.

Để việc KSTTX đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các địa phương. Đây cũng là một trong những điều kiện để ngành GTVT thực hiện chiến lược kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Cùng với đó thiết lập môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, lành mạnh, với cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức vận tải hiện nay.

Xin cảm ơn ông!