Đơn hàng tăng vẫn lỗ
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Trọng Long - Giám đốc Công ty Taxi tải Hoàng Phương cho biết, kể từ đầu năm 2022 đến nay, lượng hàng hóa do công ty vận chuyển đã trở lại xấp xỉ cách đây 2 năm. Hoạt động kinh doanh cũng nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, đơn hàng tăng đúng vào thời điểm giá xăng liên tục tăng cao chót vót vô tình lại trở thành gánh nặng đối với DN.
Theo ông Hoàng Trọng Long, dù DN đã tăng giá cước để cân bằng, nhưng mức chênh lệch giữa cấu thành chi phí với đơn giá vẫn ở mức cao, nhiều lượt vận chuyển, DN phải chịu lỗ vì một chiều xe trống. Bản thân các tài xế luôn phải tìm thêm nguồn hàng khi quay đầu để có thêm chi phí.
“Áp dụng giao khoán xăng dầu thì không ít tài xế sẽ phải bỏ nghề, nhưng nếu phải bù lỗ kéo dài thì e rằng DN chúng tôi khó trụ nổi nên hiện nay còn đang rất bối rối” - Giám đốc Công ty Taxi tải Hoàng Phương chia sẻ. Như vậy, vừa qua cơn khủng hoảng do Covid-19 gây ra, các DN ngành vận tải lại đối mặt với thách thức lớn cùng muôn vàn khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã có 10 lần tăng, trong đó có 4 lần tăng kịch sàn, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2022.
Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hoạt động vận tải hành khách gần như tê liệt trong 2 năm qua. Một số tỉnh, thành được hoạt động cũng chỉ vận hành được 50% số lượng phương tiện và chỉ được phục vụ 50% số chỗ ngồi trên xe. Ở một số loại hình kinh doanh vận tải, thị trường mới hồi phục khoảng 70%, còn đang thiếu hụt lao động do trung tâm đào tạo dạy nghề ngừng hoạt động trong 2 năm qua, thời gian giãn cách xã hội quá dài vì Covid-19 khiến nhiều lái xe phải chuyển đổi công việc khác.
Cần giải pháp căn cơ
Từng có thời điểm không ít DN vận tải tỏ ra thờ ơ với sự tăng giảm của giá xăng dầu vì phương tiện “đắp chiếu” không hoạt động. Nhưng đến nay, khi các hoạt động giao thương, kinh doanh buôn bán đã được hồi phục khiến các chủ phương tiện bắt buộc phải đối mặt. Theo Giám đốc Công ty Vận tải Visun, xăng dầu đến nay đã chiếm tỷ trọng đến gần 40% trong cấu thành giá cước, ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải.
Nhưng xăng tăng không tỷ lệ thuận với giá cước, nguyên nhân là các DN phải thực hiện theo quy định của bình ổn giá, phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, phương tiện phải tạm dừng hoạt động, tạo ra không ít khó khăn phát sinh.
Mặt khác, việc các DN không tìm được tiếng nói chung trong áp dụng giá cước, dẫn đến tình trạng bát nháo, lộn xộn. Không ít công ty nhỏ, tiềm lực tài chính thấp phải đứng trước bờ vực phá sản. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, mang tính đồng bộ thay vì mặc kệ cho các DN tự “bơi” như hiện nay.
“Các chính sách phải mạnh mẽ, chính sách mà nhỏ giọt thì không thể khôi phục được, không thể bứt tốc được. Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả chính sách. Chính phủ ban hành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho DN, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất” - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nói.
Bên cạnh đó, liên bộ Công Thương - Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho DN tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng cho rằng, Nhà nước cần áp dụng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế nhập khẩu và không áp thuế bảo vệ môi trường (thuế bảo vệ môi trường mới giảm 50%) để được gỡ khó qua giai đoạn hiện nay.
“Đây là thời điểm các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội vận tải cần có tiếng nói, làm đơn vị trọng tài để các DN cùng ngồi lại nghiên cứu giá cước áp dụng đồng bộ, căn cơ. Như vậy mới chấm dứt tình trạng mỗi nơi một mức giá như hiện nay” - ông Hoàng Trọng Long