Các dự án phát triển du lịch tại huyện Sóc Sơn triển khai còn chậm

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/6, Đoàn giám sát của Ban Văn hoá-Xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Thêm nhiều loại hình du lịch

Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, để triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, nhiệm vụ thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển du lịch tại địa phương, từ năm 2016 đến nay,  huyện Sóc Sơn đã xây dựng và triển khai nhiều văn bản về công tác quản lý, phát triển du lịch. Trong đó, nổi bật là Đề án “Phát triển du lịch, dịch vụ du lịch huyện Sóc Sơn giai đoạn 2016 – 2020”; Kế hoạch “Thực hiện  Đề án Đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ du lịch huyện Sóc Sơn giai đoạn 2016 – 2020”...

Đồng thời, huyện chỉ đạo các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện cũng tăng cường tuyên truyền về thế mạnh, tiềm năng du lịch sẵn có của huyện, từng bước nâng cao dân trí và nâng cao nhận thức của Nhân dân về du lịch và hoạt động dịch vụ, tạo ra những sản phẩm mới về du lịch góp phần đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Về một số kết quả cụ thể, thời gian qua, khách du lịch đã biết đến Sóc Sơn thông qua lễ hội Gióng, di tích lịch sử văn hóa đền Sóc. Hàng năm có khoảng 800-900 nghìn lượt khách nội địa và khoảng 1 nghin  lượt khách quốc tế đến tham quan và vãn cảnh tại Sóc Sơn.

Ngoài ra, theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, hiện nay sản phẩm du lịch của huyện đã có sự phong phú về số lượng và loại hình. Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Sóc Sơn đã có thêm các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, du lịch thể thao (chơi golf, các giải thi đấu thể thao như: giải chạy Ultra Trail, đua xe địa hình...), vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần...

Bên cạnh đó, với diện tích đất nông, lâm nghiệp rộng so với các quận, huyện khác, Sóc Sơn còn có lợi thế phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, lâm nghiệp, chăm sóc sức khỏe. Đây là xu hướng phát triển phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại một số địa điểm du lịch trên địa bàn
Trước khi làm việc với UBND huyện, Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế tại một số địa điểm du lịch trên địa bàn

Phát triển chưa xứng tầm

Mặc dù đạt được một số kết quả đã nêu nhưng đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho rằng, du lịch của huyện phát triển chưa xứng tầm, chưa phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có. Cơ sở hạ tầng tuy đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, thiếu hệ thống nước sạch, chưa có bãi đỗ xe cho du khách, chưa có điểm, nơi đón tiếp khách và tổ chức các sự kiện lớn khi khách có nhu cầu.

Nhiều nhà nghỉ, khách sạn chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng, chưa đáp ứng được khi có lượng khách lớn. Các khu vui du lịch, cơ sở lưu trú tại địa phương mọc lên tự phát nhiều, không theo định hướng; Trên địa bàn huyện chưa có khu vui chơi giải trí tổng hợp để phục vụ khách du lịch. Các dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện triển khai chậm...

Từ những tồn tại nêu trên, huyện kiến nghị thành phố quan tâm hoàn thiện quy hoạch các điểm, khu lịch của huyện, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển du lịch huyện; Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi để các thành phần kinh tế, kể cả kinh tế hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư du lịch, dịch vụ du lịch; Nghiên cứu và sớm ban hành cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư lĩnh vực văn hóa, du lịch để tạo nguồn lực phát triển Công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả huyện Sóc Sơn đạt được trong triển khai các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch. Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của huyện về giải pháp phát triển du lịch, Đoàn giám sát đề nghị huyện cần tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch trong thời gian tới; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; Triển khai đồng bộ hệ thống các biện pháp huy động vốn, chủ động và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

Cùng đó, huyện cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để hấp dẫn du khách, mang lại hiệu quả kinh doanh cao; Triển khai quy hoạch cụ thể các điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư và kêu gọi đầu tư khai thác du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn...