Trước tình trạng thiếu vật liệu đắp nền xảy ra đồng thời ở nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp để tháo gỡ. Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Thái Duy Sâm đề xuất phương án làm theo cách của tỉnh Quảng Ninh. Đó là để các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động khai thác và đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm. Đồng thời, có thể mở rộng việc khai thác vật liệu đắp nền từ các nguồn khác nhau như tro xỉ từ những nhà máy nhiệt điện, nguồn phế thải tháo dỡ từ các công trình xây dựng… Theo ông Thái Duy Sâm, nếu làm được điều này không chỉ giải quyết xong bài toán về khan hiếm vật liệu đắp nền cho cao tốc Bắc – Nam mà còn giảm ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cho rằng, theo quy định Luật Khoảng sản, UBND cấp tỉnh hoàn toàn có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm đáp ứng nguyên vật liệu phục cụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề chính vẫn phụ thuộc vào cách làm của các địa phương. Bởi, quy định về thời gian quy định cấp giấy phép thăm dò và khai thác tối đa 90 ngày, quy định gia hạn tối đa 45 ngày. Như vậy, chỉ có quy định tối đa, không quy định tối thiểu. Còn đối với các mỏ cấp phép mới, theo quy định cũng cho phép điều chỉnh nâng công suất khai thác mỏ với thủ tục đơn giản trong thời gian rất nhanh.
Cuộc đua tiến độ bắt đầuTheo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, hiện nay, vấn đề khan hiếm vật liệu đắp nền tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đã dần được giải quyết. Điều này cũng góp phần giúp các nhà thầu có điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công dự án. Tại cao tốc Cam Lộ - La Sơn, những ngày này, ghi nhận không khí hối hả, khẩn trương tại mọi nơi trên công trường. Tại các gói, hàng loạt mũi thi công với ê kíp máy móc thiết bị cùng đội ngũ cán bộ, công nhân tất bật làm việc. Quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư) Nguyễn Vũ Quý cho biết, hiện nay, các vướng mắc trong đó có vướng mắc liên quan đến vấn đề vật liệu của dự án đã được tháo gỡ giúp nhà thầu có thể đẩy nhanh công tác thi công và tiến hành thi công đồng loạt trên công trường.
Tại cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Giám đốc Ban quản lý dự án Lương Văn Long cho hay, dù hiện nay công suất khai thác tại các mỏ đất và cát còn thấp nhưng với sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tiến độ thi công dự án đang được đảm bảo. Hiện nay, dự án đã thực hiện được 15% công tác thi công nền. Qua rà soát trữ lượng mỏ vật liệu tại các địa phương cho thấy cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo có đủ vật liệu cho thi công, Giám đốc Ban quản lý dự án đã kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát thực tế, có giải pháp bình ổn giá, tránh để xảy ra tình trạng tăng giá vật liệu bất thường. Trong khi đó, tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Ban Quản lý dự án và nhà thầu đã khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu đất đắp bằng phương án tận dụng vật liệu đá từ nền đào, nghiền làm vật liệu đắp nền tại gói thầu XL01. Cách làm sáng tạo này sẽ giúp tạo ra khoảng 1,2 triệu mét khối vật liệu đất đắp K95 và K98 cho dự án.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông nhận định, việc các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu vật liệu đắp nền có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến độ dự án. “Khi vấn đề khan hiếm vật liệu được tháo gỡ, nhà thầu mới có thể đẩy nhanh công tác thi công trên công trường” – TS Nguyễn Xuân Thủy nói.