Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các hãng hàng không mở đường bay mới đến châu Á

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đóng cửa không phận Nga đối với một số hãng hàng không quốc tế, trong đó có nhiều hãng ở châu Âu, đã buộc các hãng hàng không phải tìm kiếm các đường bay thay thế.

Đối với một số chuyến bay, chẳng hạn như những chuyến bay nối châu Âu và Đông Á, trở nên khó khăn vì Nga, quốc gia lớn nhất thế giới, án ngữ ngay ở giữa.

Thay đổi tuyến Phần Lan đến Nhật Bản

Vấn đề rắc rối này được minh họa rõ nhất bằng chuyến bay của Finnair từ Helsinki đến Tokyo. Trước khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine, các máy bay từ sân bay quốc gia của Phần Lan sẽ cất cánh và nhanh chóng đi vào không phận của nước láng giềng Nga, băng qua nó hơn 3.000 dặm (4.800km).

Sau đó, họ sẽ vào Trung Quốc gần biên giới phía Bắc của nước này với Mông Cổ, bay trong không phận của nước này trong khoảng 1.000 dặm, trước khi vào Nga một lần nữa ngay phía Bắc của Vladivostok. Cuối cùng, họ băng qua Biển Nhật Bản và rẽ về phía Nam đến sân bay Narita - Tokyo. Cuộc hành trình sẽ mất trung bình dưới 9 giờ và bao gồm gần 5.000 dặm.

Chuyến bay AY73 của Finnair trước và sau khi đóng cửa không phận Nga.
Chuyến bay AY73 của Finnair trước và sau khi đóng cửa không phận Nga.

Chuyến bay cuối cùng như vậy khởi hành vào ngày 26/2 mới đây. Ngày hôm sau, Nga cấm Phần Lan sử dụng không phận của mình, buộc Phần Lan phải hủy bỏ tạm thời hầu hết các điểm đến châu Á của Finnair, bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan.

Đến thời điểm đó, các nhà hoạch định đường bay của Finnair đã phải làm việc từ lâu để tìm ra giải pháp. Riku Kohvakka, người quản lý kế hoạch bay tại Finnair, cho biết: “Chúng tôi đã tính toán sơ bộ đầu tiên khoảng hai tuần trước khi thực sự không phận bị Nga đóng cửa.

Giải pháp của họ là bay qua Bắc Cực. Thay vì đi về phía Đông Nam vào Nga, các máy bay giờ đây sẽ rời Helsinki và đi thẳng về phía Bắc, hướng đến quần đảo Svalbard của Na Uy, trước khi băng qua cực và Alaska. Sau đó, họ sẽ hướng về phía Nhật Bản bay qua Thái Bình Dương, cẩn thận vòng tránh không phận của Nga. Điều đó không còn đơn giản như trước: Hành trình này hiện mất hơn 13 giờ, bao gồm khoảng 8.000 dặm và sử dụng nhiều hơn 40% nhiên liệu.

An toàn là trên hết

Finnair bắt đầu bay qua tuyến cực đến Nhật Bản vào ngày 9 /3. Vậy, làm thế nào để một hãng hàng không thiết kế lại hoàn toàn một trong những chuyến bay dài nhất của mình chỉ trong hơn một tuần?

Kohvakka giải thích: “Tất cả các hãng hàng không lớn đều có hệ thống lập kế hoạch chuyến bay được vi tính hóa của riêng mình, hệ thống này được sử dụng để lập kế hoạch và thay đổi các tuyến đường. Trong phần mềm, các điểm tham chiếu có thể được chèn theo cách thủ công để giúp nó tính toán các tuyến đường thay thế".

Bước tiếp theo là một kế hoạch bay hoạt động mới, cho phi hành đoàn biết lộ trình dự kiến ​​là gì, họ cần bao nhiêu nhiên liệu, máy bay có thể có tải trọng bao nhiêu…

Kohvakka nói: “Từ kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng chúng tôi có hai khả năng: Một qua phía Bắc và một qua phía Nam.

Ngoài tuyến đường qua Bắc Cực, Finnair cũng có thể đến Nhật Bản bằng cách bay về phía Nam của Nga - qua Baltics, Ba Lan, Cộng hòa Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Azerbaijan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan đến Trung Quốc, Hàn Quốc và sau đó đến Nhật Bản. Nó dài hơn, nhưng nếu điều kiện gió đặc biệt thuận lợi, thời gian bay tuyến này tương tự như tuyến theo hướng Bắc.

Sau đó, dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu, cùng với phí điều hướng, được sử dụng để ước tính chi phí cho chuyến bay.

"Sau đó, chúng tôi cần kiểm tra loại địa hình mà chúng tôi đang bay qua. Ví dụ, để xem liệu độ cao tại bất kỳ điểm nào của tuyến đường có yêu cầu lập kế hoạch đặc biệt hay không, phòng trường hợp chúng tôi bị mất động cơ hoặc điều áp - điều luôn được cân nhắc khi chuẩn bị một chuyến bay" - Kohvakka nói.

Tuyến đường không hẳn là xa lạ

Các hãng hàng không thường đối phó với việc đóng cửa không phận, chẳng hạn như trong quá trình phóng tàu vũ trụ và tập trận quân sự, và các cuộc xung đột trước đó đã làm hạn chế hoặc tạm dừng các chuyến bay qua Afghanistan, Syria và Pakistan. Tuy nhiên, việc đóng cửa ở mức độ hiện nay đã không xảy ra kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Trước đây, Finnair, giống như hầu hết các hãng hàng không châu Âu khác, hoàn toàn không bay qua Liên Xô. Khi bắt đầu hoạt động đến Tokyo vào năm 1983, nó cũng đã bay qua Bắc Cực và Alaska.

Kohvakka nói: “Vì vậy, tuyến đường này không hoàn toàn mới đối với chúng tôi. Finnair là hãng hàng không đầu tiên thực hiện tuyến bay thẳng, sử dụng máy bay DC-10, trong khi hầu hết các hãng khác vào thời điểm đó có điểm dừng tiếp nhiên liệu ở Anchorage".

Japan Airlines cho đến nay là hãng hàng không duy nhất khác sử dụng đường bay địa cực cho các chuyến bay giữa châu Âu và Nhật Bản. Tuyến London đến Tokyo hiện bay qua Alaska, Canada, Greenland và Iceland, điều này đã tăng thời gian bay trung bình từ chỉ hơn 12 giờ lên khoảng 14 giờ 30 phút.

Hướng đi mới sáng sủa

Thời gian bay kéo dài thêm 4 tiếng cũng ảnh hưởng đến hành khách và phi hành đoàn, làm tăng thêm chi phí.

“Thông thường, chúng tôi bay đến Nhật Bản với phi hành đoàn gồm 3 phi công, bây giờ chúng tôi phải có 4 phi công. Chúng tôi có một giường tầng dành riêng cho phi hành đoàn, nơi chúng tôi có thể ngủ và nghỉ ngơi, và chúng tôi cũng đã tăng số lượng bữa ăn", Aleksi Kuosmanen, phó phi công trưởng của Finnair, người cũng là cơ trưởng trên các chuyến bay mới, giải thích.

Tuy chi phí cho tuyến bay mới tăng nhưng theo Kuosmanen, hành khách đã có phản ứng vui vẻ với đường bay mới: “Tôi có thể nói rằng mọi người rất nhiệt tình. Nhiều người hỏi chúng tôi sẽ đi qua điểm cực Bắc vào lúc nào". Finnair cũng đang phát các "chứng chỉ" chứng nhận cho hành khách rằng họ đã bay qua Bắc Cực. Về mặt kỹ thuật, tuyến đường mới này không gây ra bất kỳ rủi ro nào.

"Thời tiết lạnh giá có lẽ là điều đầu tiên nghĩ đến, và đúng là có những vùng có khối không khí lạnh ở độ cao lớn, nhưng dù sao chúng tôi cũng khá quen với điều này khi bay các tuyến phía Bắc đến Tokyo trong không phận Nga" - Kuosmanen nói.

Kuosmanen cho biết một vấn đề có thể là nhiệt độ nhiên liệu trở nên quá thấp, nhưng A350 đặc biệt có khả năng chống chịu với không khí lạnh, điều này khiến nó trở nên lý tưởng cho đường bay.

Có những khó khăn nhỏ khác phải khắc phục, ví dụ, thông tin liên lạc bằng giọng nói qua vệ tinh không phủ sóng toàn bộ khu vực Bắc Cực, các phi hành đoàn phải dựa vào đài HF, một công nghệ đã gần 100 năm tuổi. Ngoài ra, có những khu vực có bức xạ từ trường mạnh cần được xem xét trong chuyến bay.

Kuosmanen cho biết: “Chúng tôi có một la bàn từ cũ tốt trong máy bay, cùng với một số thiết bị hỗ trợ điều hướng hiện đại, và nó đã bị hỏng một chút khi chúng tôi bay qua Bắc Cực từ tính”, Kuosmanen nói. Nhìn chung, tuyến đường Bắc Cực làm cho mọi thứ trở nên thú vị hơn, nhưng về cơ bản không làm thay đổi mục đích của chuyến bay.

 

Đường bay mới từ châu Âu đến Đông Á (tránh không phận Nga) làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu lên tới 20 tấn, khiến các chuyến bay gặp nhiều thách thức về mặt tài chính và môi trường. Finnair với tuyến bay này đang ưu tiên vận chuyển hàng hóa, nơi nhu cầu ngày càng cao. Với việc chở hành khách, để an toàn tối đa, bước đầu Finnair giới hạn sức chứa chỉ ở mức 50 chỗ (máy bay Airbus A350-900 được sử dụng trên các chuyến bay có thể chở tới 330 người).