Các hãng hàng không vẫn thua lỗ dù giá vé máy bay tăng cao kỷ lục

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vé máy bay liên tục “phá kỉ lục” trong thời gian qua do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, dù “treo” giá vé rất cao nhưng các hãng hàng không vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Ngành hàng không đang trải qua cao điểm hè sôi động.
Ngành hàng không đang trải qua cao điểm hè sôi động.

Hết thời “săn” vé rẻ

Trong nhiều năm qua, thuật ngữ “săn” vé máy bay giá rẻ đã trở nên quen thuộc với nhiều người có nhu cầu đi máy bay nhưng không được dư dả về tài chính. Phân khúc vé máy bay giá rẻ đã thật sự đã mang tới cơ hội “bay lên bầu trời” của nhiều người dân Việt Nam. Tuy nhiên, với cơn “bão giá” xăng dầu trong thời gian qua kéo theo giá vé máy bay buộc phải tăng theo, cơ hội “săn” vé máy bay giá rẻ đang ngày càng trở nên khan hiếm, nếu không muốn nói là đã gần như biến mất.

Khảo sát một vòng trên kênh bán vé máy bay trực tuyến của các hãng hàng không có thể dễ dàng nhận thấy phần lớn giá vé máy bay đều đang được “treo” ở mức cao ngất ngưởng. Nhìn vào các mức giá đó thì đừng nói đến “săn” vé giá rẻ, ngay cả việc tìm một tấm vé máy bay với mức giá vừa phải đã rất khó.

Hầu hết chặng bay nội địa trong giai đoạn tháng 7 đến cuối tháng 8/2022 đều tăng giá. Đầu tiên, chặng bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh - đây vốn là chặng bay “hót” nhất với tỉ lệ người đặt mua vé luôn ở mức cao hàng đầu bởi từ chặng này có thể chuyển tiếp đến nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở hai đầu đất nước. Trên website của các hãng bay nội địa, hiện, giá vé máy bay cho chặng này trong tháng 7/2022 đều đã tăng từ  20 - 30% so với tháng trước.

Đơn cử như vé máy bay của Vietnam Airlines. Hãng này mở bán chặng bay thẳng từ Hà Nội - Phú Quốc trên 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ ban đêm. Vietjet mở bán chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways 2 - 3 triệu đồng/vé. Đây là mức giá cho hành trình một chiều, chọn lựa hành trình khứ hồi, tức là chiều đi và chiều về, giá vé cho chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc ít nhất trên 3 triệu đồng/người.

Với chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng, Vietnam Airlines mở bán hạng vé rẻ nhất là 1,5 triệu đồng/vé vào khung giờ sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu mua khứ hồi, hành khách chi ít nhất 3 - 5 triệu đồng. Chặng bay thẳng từ Hà Nội - Phú Quốc có giá trên 2,5 triệu đồng/vé vào khung giờ ban đêm.

Giá vé của các hãng bay khác như: Vietjet Air, Bamboo Airways... cũng “treo” ở mức rất cao. Giá vé của hai hãng bay này cho chặng, Hà Nội – Đà Nẵng dao động từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/vé. Nếu mua khứ hồi, hành khách chi ít nhất 3 - 5 triệu đồng.

Còn trên chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc, Vietjet Air mở bán giá 1,7 - 2,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways 2 - 3 triệu đồng/vé. Đây là mức giá cho hành trình một chiều, chọn lựa hành trình khứ hồi, tức là chiều đi và chiều về, giá vé cho chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc ít nhất trên 3 triệu đồng/người.

Giá nhiên liệu tăng phi mã khiến các hãng hàng không vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ dù giá vé máy bay đã tăng nhiều.
Giá nhiên liệu tăng phi mã khiến các hãng hàng không vẫn đối mặt với nguy cơ thua lỗ dù giá vé máy bay đã tăng nhiều.

Càng bay càng lỗ

Theo các chuyên gia, việc giá vé máy bay cao ngất ngưởng trong bối cảnh giá xăng, dầu liên tục “phá kỷ lục” trong thời gian qua không khó hiểu. Đây là điều tất yếu phải xảy ra bởi với giá nhiên liệu như hiện nay, nếu không tăng giá, các hãng hàng không chắc chắn sẽ nắm phần thua lỗ. Việc này là tối kỵ khi ngành hàng không vừa mới tạm thời thoát ra khỏi thời gian dài khủng hoảng bởi dịch Covid-19.

Hiện nay, nhiên liệu đang chiếm 40% tổng chi phí khai thác của các hãng bay. Khi giá nhiên liệu tăng trên 100 USD một thùng thì chi phí khai thác của các hãng hàng không tăng thêm 50%. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, có thời điểm giá xăng Jet-A1 tăng trên 160 USD một thùng khiến chi phí hoạt động của hãng tăng cao. Do đó, dù giá vé máy bay có tăng thêm nhưng vẫn khó cho doanh nghiệp hàng không trước cơn bão giá.

PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, giá vé máy bay chịu tác động bởi 2 yếu tố: Giá nhiên liệu và chi phí cho lao động. Với đà tăng của giá nhiên liệu như hiện nay, các hãng bay đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ rất cao dù đang trải qua cao điểm hè vô cùng sôi động.

Về lý thuyết, khi càng bay nhiều, các hãng hãng không sẽ càng tăng được doanh thu. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đang “mở hết tốc lực” để hoạt động trong cao điểm Hè 2022 song điều này chưa thể đảm bảo việc các hãng bay sẽ có lãi. Bởi dù đã tăng giá vé nhưng mức tăng này chưa thể đuổi kịp mức tăng phi mã của giá xăng, dầu trong thời gian qua.

Khi giá vé tăng chưa tương xứng với giá tăng nhiên liệu thì bay nhiều chưa chắc có lãi thậm chí là càng bay càng lỗ. “Giá nhiên liệu tăng cao mà không tăng giá vé máy bay chắc chắn các hãng bay sẽ bị lỗ. Nhưng tăng giá vé cũng phải tính toán ở mực độ phù hợp, nếu không sẽ không có khách đi máy bay” – chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.

Ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay, đội máy bay của các hãng vẫn chưa được khai thác hết do thị trường quốc tế mới chỉ khai thác trở lại ở mức 10 - 20% so với trước dịch Covid-19. Thế nhưng, các hãng bay vẫn phải duy trì nhiều khoản chi phí cố định liên quan đến thuê máy bay, bảo dưỡng, khấu hao tài sản...

Điều này khiến cho chi phí cố định trung bình/giờ bay tăng vọt so với trước dịch, nhất là những hãng có đội máy bay lớn, mạng bay quốc tế trước dịch rộng khắp.

“Trong thực tế, việc các hãng tiếp tục lỗ và mức lỗ khoảng 100 tỉ đồng/tháng là khiêm tốn trong bối cảnh chưa khai thác hết đội bay, mạng bay quốc tế chưa khôi phục được và giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức rất cao, lên đến hơn 160 USD/thùng” – ông Đinh Việt Thắng nói.

 

Với giá nhiên liệu bay tăng cao như hiện nay, chắc chắn các hãng bay đều lỗ do số chuyến bay và hành khách quốc tế chưa đáng kể. Sáu tháng đầu năm nay mới chỉ có 2,4 triệu du khách quốc tế tới Việt Nam, quá khiêm tốn so với con số trung bình 1,5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam mỗi tháng trước khi có dịch. Do tần suất khai thác và lượng khách quốc tế rất thấp, 1/3 đội bay của các hãng hàng không Việt Nam vẫn nằm đất, đương nhiên các hãng hàng không sẽ bị lỗ.

Chuyên gia hàng không, TS Lương Hoài Nam