Các khoản trợ cấp của Chính phủ Mỹ khiến châu Âu e ngại

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm 29/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trước các nhà lập pháp của cả hai đảng chính trị Mỹ về việc từ chối tiếp nhận các khoản trợ cấp mới của Washington - điều khiến các nhà lãnh đạo châu Âu cảm thấy e ngại.

Hôm 28/11, ông Macron đã đến Washington, trong chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Mỹ kể từ khi nhậm chức vào năm 2017. Trước đó các quan chức của Pháp cho biết vị Tổng thống này đã bày tỏ sự không đồng thuận và sẽ lên tiếng phản đối đối với các khoản trợ cấp mà Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đưa ra trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, trong một cuộc họp với các nhà lập pháp Hoa Kỳ, ông Macron nói rằng đạo luật IRA khiến nhiều công ty châu Âu gặp phải trở ngại. Văn phòng của ông Macron hiện vẫn từ chối xác nhận thông tin này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đã có những phàn nàn đối với các khoản trợ cấp lớn dành cho các sản phẩm mà Mỹ sản xuất trong đạo luật IRA mà ông Biden đã ký vào tháng 8. Họ cho rằng điều này là hoàn toàn không công bằng đối với các công ty không phải của Mỹ và sẽ là một đòn giáng nghiêm trọng đối với nền kinh tế của các nước này, nhất là khi châu Âu đang phải giải quyết những hậu quả từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vào tháng 2.

“Đạo luật này sẽ đem đến những cơ hội đáng kể cho các công ty châu Âu cũng như lợi ích đối với an ninh năng lượng của EU”- phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết khi được hỏi về những lo ngại của châu Âu - "IRA có các điều khoản sẽ đóng góp cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch trên toàn cầu".

“Pháp và Mỹ cần có những cải cách đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới để có thể thực hiện những đợt viện trợ kinh tế đến các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu" - Tổng thống Macron cho biết trong bài phát biểu trước báo giới tại Thư viện Quốc hội Mỹ.

Một quan chức Pháp giấu tên nhận định với Reuters: "Kể từ khi đảng Cộng hòa giành được Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11, ông Macron đã cho thấy được những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc tiếp cận cả hai đảng, thay vì chỉ riêng với Tổng thống Biden - một đảng viên của Đảng Dân chủ - để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Washington".

Ông Macron là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng thống Biden mời dự tiệc chiêu đãi cấp nhà nước tại Nhà Trắng - một dấu hiệu cho thấy sự quan trọng của vị lãnh đạo Pháp đối với Washington, bất chấp việc một số chính sách của ông khác với chính quyền Biden.

Trước đó, ông Macron đã từng đến thăm trụ sở NASA cùng với Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cho biết sự hợp tác giữa Mỹ và Pháp là rất quan trọng để chống lại các nguy cơ xung đột trong không gian. Cả hai cũng đã công bố sự hợp tác mới về không gian giữa hai nước trong cuộc gặp ở Paris một năm trước.