Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các khoản trợ cấp khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trường hợp bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người lao động được hưởng những chế độ trợ cấp nào? Và, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm thế nào đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp?

Đây là những câu hỏi của người lao động được gửi tới các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến “bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp” do báo Tuổi trẻ tổ chức.

Người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được chi trả các chế độ từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa.
Người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được chi trả các chế độ từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh minh họa.

Với câu hỏi đầu tiên, bà Lý Hoàng Minh – Phó Trưởng phòng Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phản hồi: Người lao động tham gia quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được chi trả các chế độ từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đó là:

+ Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5 – 30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5 – 10 ngày tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động.

+ Trợ cấp một lần đối với thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 36 tháng lương cơ sở;

+ Ngoài ra là các khoản trợ cấp khác, bao gồm: Trợ cấp phục vụ đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc bị mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần; hỗ trợ phương tiện giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình đối với người lao động bị tai nạn lao động, mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng.

+ Hưởng bảo hiểm y tế khi nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động quy định:

Người sử dụng lao động kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Người sử dụng lao động thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời, trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người sử dụng lao động bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định của pháp luật;

Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người.

Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.