Tại hội thảo về đô thị hóa và phát triển nông nghiệp ven đô do Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức ngày 27/10, chuyên gia của Sở Quy hoạch và kiến trúc thành phố Hà Nội đã đề xuất các khu vực trọng điểm phát triển đô thị tại vùng ven đô từ nay đến năm 2020.Theo Sở Quy hoạch và kiến trúc thành phố Hà Nội, dự báo sự phát triển đô thị tại vùng ven đô Hà Nội có phạm vi 3.344,6 km2 với dân số 7,3 – 7,9 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa 58% - 60%.Khu vực đô thị trung tâm có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ y tế, đào tạo chất lượng cao của thành phố Hà Nội và cả nước gồm có Nội đô lịch sử, Khu mở rộng phía bắc sông Hồng, Mê Linh – Đông Anh, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm – Long Biên, Hà Đông, Thanh Trì, Nội đô mở rộng, Khu mở rộng phía nam sông Hồng.Đô thị vệ tinh Sóc Sơn: phát triển mới 755 ha còn cải tạo và tái thiết 430 ha; khu trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng huyện Sóc Sơn khoảng 355 ha; khu vực phát triển công nghiệp sạch khoảng 215 ha; khu vực trung tâm dịch vụ đào tạo khoảng 150 ha; đô thị mới, nhà ở khoảng 75 ha. Định hướng phát triển là trung tâm cụm động lực kinh tế phía Bắc; đô thị cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, Thăng Long – Nội Bài và Nhật Tân – Nội Bài. Phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung; đến năm 2030 dân số khoảng 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 5.500 ha, đất dân dụng khoảng 1.900 ha. Đô thị vệ tinh Hòa Lạc: phát triển mới 1.070 ha còn cải tạo và tái thiết 615 ha, đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 400 ha, khu công nghệ cao Hòa Lạc khoảng 500 ha (hiện có 306,72 ha); tổ hợp y tế khoảng 70 ha; đô thị mới – nhà ở, du lịch sinh thái khoảng 100 ha. Định hướng phát triển là trung tâm nghiên cứu và phát triển; đô thị mới động lực phát triển vùng và là hạt nhân thu hút phát triển đầu tư công nghệ cao mới phía Tây thành phố; đến năm 2030 dân số khoảng 0,6 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 18.000 ha, đất dân dụng khoảng 4.800 – 5000 ha.Đô thị vệ tinh Sơn Tây: phát triển mới 119,12 ha còn cải tạo tái thiết 485 ha; khu phát triên đô thị mở rộng 65 ha; khu tổ hợp y tế và giáo dục đào tạo, trường đại học, cao đẳng 54,12 ha. Định hướng phát triển là đô thị văn hóa lịch sử và đô thị du lịch nghỉ dưỡng; khu trung tâm dịch vụ tổng hợp cấp vùng; khu trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng, khu vực bảo tồn thành cổ Sơn Tây và làng cổ Đường Lâm, khu trung tâm giáo dục đào tạo và y tế, khu vực phát triển đô thị mới, khu an ninh quốc phòng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng; đến năm 2030 dân số khoảng 180 ngàn người, đất dân dụng 900 ha.Đô thị vệ tinh Xuân Mai: phát triển mới 410 ha còn cải tạo tái thiết 280 ha. Định hướng phát triển là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; đô thị cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội kết nối đô thị trung tâm với các tỉnh miền núi Tây Bắc qua hành lang quốc lộ 6 và Nam quốc lộ 6; phát triển các khu tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm dịch vụ về thương mại, đào tạo đại học, cao đẳng; đến năm 2030 dân số khoảng 0,22 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 4.500 ha, đất dân dụng khoảng 2.000 ha.Đô thị vệ tinh Phú Xuyên: phát triển mới 120 ha còn cải tạo tái thiết 830 ha. Định hướng phát triển là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa, cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng phía Nam sông Hồng; hình thành các trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hóa, các khu nhà ở công nhân, y tế chất lượng cao, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống hồ điều tiết nước nhân tạo lớn đề phục vụ thoát nước, phù hợp với đặc điểm thấp trũng của khu vực; đến năm 2030 dân số khoảng 0,12 – 0,13 triệu người, đất xây dựng đô thị 2.500 – 3.000 ha, đất dân dụng khoảng 900 ha.Thêm vào đó, Hà Nội phát triển các thị trấn như thị trấn sinh thái Phúc Thọ, thị trấn sinh thái Chúc Sơn và thị trấn sinh thái Quốc Oai. Đính hướng phát triển thành trung tâm kinh tế - xã hội của các vùng, huyện, liên huyện; đầu mối về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, sản xuất; đến năm 2030 dân số khoảng 0,23 – 0,25 triệu người, đất xây dựng đô thị 4.100 – 4.300 ha, đất dân dụng 2.100 – 2.200 ha.Bên cạnh áp lực về đất đai thì diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng là nỗi lo khác. Theo TS. Trần Trọng Phương, khoa Quản lý Đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì việc phát triển nông nghiệp ven đô cần đi theo những hướng sau:Cần lưu ý đến vấn đề xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất hóa tập trung có sức cạnh tranh theo hướng nông nghiệp sinh thái (hoa cây cảnh, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung, lúa cao sản). Vùng ven đô, mỗi huyện hình thành vùng kinh tế đặc trưng, kết hợp bố trí lại dân cư với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hình thành các làng nghề, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với cải thiện điều kiện sống và môi trường nông thôn. Triển khai áp dụng công nghệ cao vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp ven đô ngoại thành, trên cơ sở xác định các sản phẩm mũi nhọn, tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng các mô hình công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp. Tiếp tục chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện giải phóng nhanh các mặt bằng xây dựng, đặc biệt là các khu chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao. Giải pháp thị trường cho nông nghiệp sinh thái ven đô phải nhằm thúc đẩy ra các hàng hóa cảnh quan sinh thái và các sản phẩm nông nghiệp sạch trên cơ sở kích cầu và tạo cung cho các sản phẩm này. Cuối cùng cần đấu giá quyền sử dụng đất để lấy nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới.