Hai câu hỏi lớn lúc này là cách mà xung đột tại Ukraine có thể kết thúc, và liệu nó có tạo nên một trật tự thế giới mới, như giới chuyên gia đã cảnh báo?
3 kịch bản chiến tranh - hòa bình
Khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bước sang tuần thứ 4, đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy điểm chung nhất định giữa hai bên về các đường nét của một giải pháp ngoại giao, bắt đầu với việc Kiev từ bỏ khả năng trở thành thành viên NATO trong tương lai.
Nhưng bất ngờ, Mỹ như “dội một gáo nước lạnh” vào hy vọng về bất cứ giải pháp ngoại giao nào cho cuộc xung đột tại Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gán cho người đồng cấp Nga của mình, Tổng thống Vladimir Putin, là “tội phạm chiến tranh”, và chỉ thị chính quyền của ông điều tra “tội ác chiến tranh” của Nga - một nỗ lực bị đánh giá là không cần thiết của Washington.
Bị kẹt giữa quan điểm cứng rắn của Nga và lập trường diều hâu của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dường như còn rất ít cơ hội cho các hoạt động ngoại giao. Tất cả những diễn biến thực tế này đang mở ra con đường cho một số kịch bản chiến tranh, mà qua đó sẽ quyết định bản chất và cách thức của hòa bình.
Kịch bản đầu tiên liên quan đến việc Nga triển khai lực lượng lớn hơn và nhiều vũ khí sát thương hơn để đạt được chiến thắng toàn diện nhanh hơn, giành quyền kiểm soát thủ đô Kiev trước khi tạo lập một nhà nước Ukraine mới, bao gồm cả việc chia cắt đất nước này. Nhưng điều này, theo chuyên gia phân tích chính trị Marwan Bishara - Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Paris, là chưa thể diễn ra lúc này, khi người Ukraine từ chối đầu hàng, tiếp tục chống lại lực lượng Nga một cách mạnh mẽ với sự hỗ trợ quân sự của phương Tây.
Điều này mở ra khả năng cho một kịch bản thứ 2: Ukraine biến thành một Afghanistan, nơi đã từng chứng kiến thất bại quân sự của Moscow vào năm 1989 và mở đường cho sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng đó vẫn phải là sau 1 thập kỷ đất nước đã bị chiến tranh tàn phá. “Putin có thể nóng giận, nhưng không hề ngu ngốc, và dường như đã học được từ sai lầm trong quá khứ của Moscow, và cũng là cả của Washington. Tức là Nga sẽ tránh hoàn toàn việc chiếm đóng một quốc gia rộng lớn khác tương tự Afghanistan”, chuyên gia Marwan Bishara nhận định trên tờ Al Jazeera.
Đó là lý do tại sao ngay từ ban đầu, Tổng thống Putin đã gọi đây là “chiến dịch đặc biệt”. Tuy nhiên, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Moscow dường như đã bị phá sản bởi ít nhất 3 giả định sai lầm: Về năng lực và hiện đại hóa quân sự của Nga; năng lực và sự sẵn sàng kháng cự của Ukraine; sự đoàn kết và quyết tâm trừng phạt của phương Tây.
Và giờ đây, khi hy vọng kết thúc cuộc chiến nhanh chóng của Điện Kremlin đã thất bại, Nhà Trắng lại đang đào sâu vào một cuộc xung đột lâu dài nhằm làm suy yếu và gây bất ổn cho nước Nga. Tổng thống Biden rõ ràng đã đưa ra quyết định “tuyên chiến” với Nga, với việc cam kết trang bị vũ khí cho người Ukraine một cách mạnh mẽ chưa từng có.
“Đây là một công thức cho thảm họa” - Giáo sư Marwan viết - “Nó sẽ kéo dài xung đột một cách không cần thiết, gây thêm đau khổ và tàn phá ở Ukraine. Và nó cũng có thể mở rộng phạm vi chiến tranh ra ngoài lãnh thổ Ukraine”.
Thực tế, Nga đã đe dọa tấn công các đoàn xe viện trợ quân sự của NATO đến Ukraine, có thể kéo theo các nước láng giềng và dẫn đến leo thang lớn liên quan đến các lực lượng phương Tây. Hơn hết, lời đe dọa của ông Putin về “những hậu quả lớn hơn bất kỳ hậu quả nào mà họ (phương Tây) từng phải đối mặt trong lịch sử” để trả đũa việc NATO can thiệp vào Ukraine, chỉ có thể được hiểu là một mối đe dọa hạt nhân.
Điều này đòi hỏi một lựa chọn cấp bách cho một kịch bản thứ 3: Một tiến trình hòa bình được quốc tế công nhận. Liên quan đến vấn đề này, mọi con mắt đang đổ về Trung Quốc - thành viên thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc không tham chiến.
Trung Quốc có mọi lợi ích trong việc định hình kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine nếu xét đến những ảnh hưởng chiến lược và chính trị đối với chính tương lai của nước này ở châu Á và hơn thế nữa. Nhưng Bắc Kinh cũng không cần phải làm điều này một mình. Việc hình thành một nhóm quốc tế, bao gồm Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp quốc, có thể tạo ra tiến triển lớn trên chặng đường dài trong việc thuyết phục cả Moscow và Kiev nghiêm túc về hòa bình.
Thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu
Mặc dù cuộc xung đột chỉ mới diễn ra vài tuần nhưng nó đã đánh dấu một “thời điểm quyết định trong việc định hình lại trật tự địa chính trị” - Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 23/3. Chiến dịch của Nga đã có những tác động lớn bên ngoài Đông Âu, từ lạm phát tăng vọt cho đến một cuộc khủng hoảng tị nạn lịch sử. Và khi cuộc xung đột tiếp diễn, nó được tin có thể làm rung chuyển trật tự thế giới với những liên minh và chia rẽ mới.
Trước hết, theo EIU, cuộc xung đột sẽ đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Những thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh được xác định bởi sức mạnh của NATO và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Tuy nhiên, 2 thập kỷ qua đã chứng kiến Trung Quốc bùng nổ kinh tế chưa từng có và Nga hồi sinh sức mạnh địa chính trị của chính mình.
Nhóm nghiên cứu của EIU cho biết, điều đó đã giúp gia tăng “sự cạnh tranh nội bộ phương Tây” và làm xói mòn vai trò của Mỹ với tư cách là cường quốc toàn cầu. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga lần này chính là đỉnh cao của sự thay đổi đó, đồng nghĩa với việc ám chỉ rằng thời kỳ thống trị của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh đã kết thúc.
Bên cạnh đó, báo cáo của EIU đã chỉ ra “một biên giới mới ở châu Âu”, đặc biệt là giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga. Tổng thống Vladimir Putin được cho đã từng “làm phép thử” với EU khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng việc đẩy mạnh quyết tâm tại Ukraine lúc này có thể thiết lập một biên giới trên thực tế mới ở châu Âu.
“Việc Nga từ chối “trật tự dựa trên luật lệ” do phương Tây dẫn đầu báo hiệu sự quay lưng lại với châu Âu và sự hình thành một khu vực lục địa mới, sau 3 thập kỷ kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ” - các nhà nghiên cứu của EIU dự báo, nói thêm rằng “vùng đệm” được tạo ra bởi chiến dịch một khi Nga thành công, sẽ bao gồm một phần của Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Điều đó sẽ nâng cao ảnh hưởng của Nga đối với các thành viên EU như Ba Lan, Romania và Slovakia.
Cuối cùng sẽ là một sự “cải tổ quan hệ đối tác với Trung Quốc” - theo EIU. Cho đến nay, cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới vẫn hạn chế ủng hộ hay chỉ trích quá rõ ràng hành động quân sự của Nga, nhưng mối quan hệ kinh tế của nước này với Nga cũng đã làm xói mòn ít nhiều sức mạnh của các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Nga đã xây dựng quan hệ đối tác với Trung Quốc từ năm 2012 và thập kỷ qua đã chứng kiến Nga ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh gần đây rằng liên minh của họ sẽ “không có giới hạn”, và sẽ được củng cố thêm trong những năm tới.
Tuy nhiên, xu hướng đó cũng có thể buộc phương Tây phải suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với Trung Quốc. Giờ đây, Mỹ sẽ phải tập trung vào việc kiềm chế Nga, trong khi cũng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại. Điều này khiến các đồng minh phương Đông như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan rơi vào tình trạng ràng buộc, vì nhu cầu đảm bảo an ninh bởi Mỹ có thể sẽ tăng lên.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo, một liên minh chống lại Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể xuất hiện, khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc.
Mặc dù cuộc xung đột chỉ mới diễn ra vài tuần nhưng nó đã đánh dấu một “thời điểm quyết định trong việc định hình lại trật tự địa chính trị” - Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết trong một báo cáo được công bố hôm 23/3.