Hà Nội:

Các mô hình quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện có việc làm, vay vốn

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy (CNMT) có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại lợi ích thiết thực cho người sau cai thông qua các hoạt động hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế…

Hàng trăm người sau cai được tạo việc làm, vay vốn

Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong nước và Thủ đô Hà Nội thời gian qua có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và mức độ nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến bản thân và gia đình người nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch số 270/KH-UBND ngày 1/12/2021 của UBND TP Hà Nội, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai Kế hoạch Xây dựng và phát triển các mô hình quản lý sau CNMT. Theo đó, có 3 mô hình quản lý sau CNMT đã được lựa chọn và áp dụng tại địa bàn cơ sở.

Phó Giám đốc Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam trao Giấy khen cho 5 tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Trần Oanh.
Phó Giám đốc Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam trao Giấy khen cho 5 tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Trần Oanh.

Ngày 7/12, tại Hội nghị Đánh giá kết quả triển khai các “Mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau CNMT tại nơi cư trú” trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2023, Chi cục Phó phụ trách Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Văn Lập đã báo cáo về triển khai hoạt động của 3 mô hình: Tính đến ngày 14/10/2023, toàn TP Hà Nội đã duy trì và triển khai 465 mô hình quản lý sau CNMT tại 450 xã, phường, thị trấn (đạt 129% chỉ tiêu TP giao đến năm 2023). Trong đó có 15 đơn vị cấp xã đồng thời triển khai 2 mô hình tại địa bàn là quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên.

Trong giai đoạn 2021 – 2023 có 330 đơn vị triển khai mô hình: “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau CNMT tại cộng đồng”; 22 đơn vị triển khai xây dựng mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng”; 62 đơn vị triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người CNMT hòa nhập cộng đồng – Câu lạc bộ B93”. Trước đó, TP đang duy trì 37 Câu lạc bộ B93 và 14 Điểm tư vấn tại một số quận, huyện, thị xã.

Sau khi thành lập mô hình, các địa phương đã thực hiện rà soát, thống kê, lập danh sách người nghiện và sau cai trên địa bàn. Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tiếp cận, vận động người sau cai tham gia mô hình. Thông qua các mô hình, nhiều người sau CNMT đã được giúp đỡ, hỗ trợ. Theo đó, 267 người được hỗ trợ tạo việc làm như nghề may, mộc, cơ khí, bảo vệ, bán hàng,…; 114 người được hỗ trợ vay vốn để sản xuất kinh doanh với tổng số tiền 4.099 triệu đồng; 53 người được hỗ trợ học nghề cắt tóc, làm gốm sứ, bảo vệ, quản lý.

Đầu tư trọng điểm 3 mô hình hoạt động hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, các mô hình có ý nghĩa nhân văn, mang lại lợi ích thiết thực qua các hoạt động như hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế đã củng cố niềm tin cho người sau CNMT, gia đình và người dân địa phương. Qua đó, giúp người sau cai ổn định cuộc sống, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện 3 mô hình, các địa phương gặp một số khó khăn và hạn chế. Đó là, có nơi, có lúc chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia; một số địa phương triển khai mô hình còn mang tính hình thức, phong trào. Công tác hỗ trợ học nghề, vay vốn, giới thiệu việc làm cho người sau CNMT tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, chưa tổ chức được nhiều, số lượng người được hỗ trợ còn khiêm tốn. Mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” hiện nay chưa có khung kinh tế kỹ thuật, chưa có nội dung, căn cứ chi, do đó không có kinh phí duy trì các hoạt động của mô hình…

15 cá nhân đạt thành tích xuất sắc khi thực hiện mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy được tặng Giấy khen. Ảnh: Trần Oanh. 
15 cá nhân đạt thành tích xuất sắc khi thực hiện mô hình quản lý sau cai nghiện ma túy được tặng Giấy khen. Ảnh: Trần Oanh. 

Để tiếp tục triển khai các mô hình quản lý sau CNMT trong giai đoạn tiếp theo, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam đề nghị: Công an TP – cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 89/TP có chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã tích cực phối hợp với cơ quan LĐTB&XH, Y tế, các ngành chức năng và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong triển khai  các mô hình quản lý sau CNMT và quản lý, giám sát, giúp đỡ người sau CNMT hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, cơ quan Công an TP phối hợp với Sở LĐTB&XH lựa chọn 3 mô hình đã được triển khai giai đoạn 2021 – 2023 để tổ chức đầu tư trọng điểm, triển khai thí điểm, đánh giá hiệu quả, nhân rộng để giúp các địa phương tiếp tục hoàn thiện mô hình đang triển khai thu được hiệu quả thiết thực.

Phòng LĐTB&XH các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu UBND, Ban chỉ đạo 89 chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các mô hình đã đăng ký thành lập. Cũng như có hướng dẫn cụ thể các xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai xây dựng mới các mô hình và duy trì hoạt động những mô hình đã đăng ký; phấn đấu 100% cấp cơ sở có mô hình quản lý sau cai và hoạt động thường xuyên.

Các xã, phường, thị trấn tiếp tục thống kê, rà soát, lập danh sách người sau CNMT, tổ chức tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ người sau cai phòng chống tái nghiện, hòa nhập cộng đồng.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra tiến độ và hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn của các mô hình quản lý sau CNMT trong công tác tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ người sau CNMT… Các cơ sở CNMT hỗ trợ các địa phương áp dụng mô hình quản lý sau CNMT về kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ trong tư vấn, điều trị nghiện, phòng chống tái nghiện tại cộng đồng…

Với những kết quả và thành tích đạt được khi triển khai thực hiện các mô hình quản lý sau cai, 5 tập thể và 15 cá nhân đã được Giám đốc Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội tặng Giấy khen.