Các nước EU đàm phán về thỏa thuận "không do thám"

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ Sueddeutsche Zeitung (Đức) ngày 15/1 đưa tin từ nhiều tháng qua, Đức đã chủ trì cuộc đàm phán bí mật trong Liên minh châu Âu (EU) nhằm xây dựng một thỏa thuận “không do thám” giữa các quốc gia thành viên. Đây là một nỗ lực bị một số nước, đặc biệt là Anh, phản đối.

Báo trên nêu rõ sau các tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden về thông tin Washington do thám nhiều nước và đời tư một số nhà lãnh đạo trên thế giới, Đức đã đàm phán với các nước thành viên EU về một thỏa thuận không do thám của châu Âu. 

Thỏa thuận trên được đàm phán trong nhiều tháng ở Berlin, sẽ quy định các nước trong khối gồm 28 thành viên này cam kết "kiềm chế không do thám lẫn nhau," cả trong lĩnh vực chính trị lẫn kinh tế. Thỏa thuận này sẽ chỉ cho phép do thám vì những mục đích đã được nhất trí trước đó như chống khủng bố và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. 
Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)
Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Đức. (Nguồn: THX/TTXVN)
Ngoài ra, các cơ quan tình báo của 28 nước thành viên EU cũng sẽ không được phép đề nghị các cơ quan tình báo khác để lấy thông tin về đời tư của công dân nước họ nếu điều này bị cấm theo luật quốc gia.

Cuộc đàm phán do Cơ quan tình báo đối ngoại Bundesnachrichtendienst (BND) của Đức chủ trì, diễn ra theo đề nghị của Thủ tướng Angela Merkel, người muốn đạt được một thỏa thuận về “các tiêu chuẩn tình báo chung” của EU.

Một ngày trước đó, nhật báo Munich đưa tin Mỹ và Đức có thể sẽ không ký được thỏa thuận không do thám lẫn nhau tại một cuộc đàm phán tương tự do Washington không chỉ từ chối đưa ra cam kết ngừng nghe lén các thành viên Chính phủ Đức trong tương lai, mà còn từ chối cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của bà Merkel cũng như các chính trị gia cao cấp khác của Đức. 

Ngoài ra, phía Mỹ cũng bác bỏ yêu cầu của Đức về việc kiểm tra trạm nghe lén tình nghi đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin. Truyền thông Mỹ cho rằng Washington không muốn ký thỏa thuận không do thám với Đức vì e ngại sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác.

Trước đó, quan hệ Mỹ-Đức rơi vào căng thẳng sau khi bê bối nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel bị phát giác. Để tháo gỡ tình hình, Đức đã cử phái đoàn quan chức tình báo cấp cao sang Washington để thảo luận, đồng thời đưa ra đề xuất ký thỏa thuận không hoạt động gián điệp lẫn nhau.