Các nước kết nối bằng “Chuyến tàu văn hóa”

Thế Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến xe lửa từ Berlin (Đức) đến Wroclaw (Ba Lan) không chỉ là một phương tiện giao thông, mà nó còn chứa đựng những thông điệp về văn hóa.

Dự án văn hóa này được ra đời cách nay vài năm, ban đầu được thiết kế trong khoảng thời gian sáu tháng, nhưng nó đã thành công đến mức nó không bao giờ bị ngừng lại. Đặc biệt, “Chuyến tàu văn hóa” trở thành mẫu hình vượt xa khu vực biên giới Đức - Ba Lan.

Các nhà sáng lập Oliver Spatz, Ewa Strozczynska-Wille và Natalie Wasserman trước một “Chuyến tàu văn hóa. Ảnh: DW
Các nhà sáng lập Oliver Spatz, Ewa Strozczynska-Wille và Natalie Wasserman trước một “Chuyến tàu văn hóa. Ảnh: DW

Ba Lan, Đức hợp tác thúc đẩy văn hóa

Rafal Dutkiewicz - cựu thị trưởng Wroclaw cho biết, ông là một trong những người thúc đẩy ý tưởng: "Pociag do kultury" - "Chuyến tàu văn hóa". Ông cho biết thêm rằng, mục đích là phát triển sự hợp tác của Ba Lan với Berlin và bang Brandenburg trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời khôi phục tuyến đường sắt giữa hai TP đã bị ngừng hoạt động mấy năm trước đó. Về phía Đức, một "nhóm những người sáng tạo trẻ tuổi" đã đóng vai trò chính trong việc biến ý tưởng thành hiện thực và giúp nó thành công.

Rất lâu trước khi dự án được khởi động, Ewa Strozczynska-Wille - người chuyên nghiên cứu về sân khấu và tiếng Đức, và Natalie Wasserman, một dịch giả đã cùng với đạo diễn kiêm nhà sản xuất Oliver Spatz hợp tác để hướng tới nỗ lực chung giữa Đức và Ba Lan này. Oliver Spatz, từng là Giám đốc của Diễn đàn Kleist ở Frankfurt an der Oder từ năm 2015 đến 2016, vẫn là Giám đốc dự án của “Chuyến tàu văn hóa”.

Natalie Wasserman nói: "Chúng tôi đã có ý tưởng cung cấp văn hóa trên một chuyến tàu từ khá lâu rồi. Khi Wroclaw được chọn là “Thủ đô Văn hóa châu Âu” vào năm 2016, đó là cơ hội duy nhất để biến giấc mơ thành hiện thực, và một "tập hợp các ý tưởng" đã đến với nhau”.

Khi “Chuyến tàu văn hóa” khởi hành chuyến đi đầu tiên từ ga Lichtenberg ở Berlin vào ngày 30/4/2016, nhóm của Oliver Spatz đã nín thở: “Chúng tôi sợ không ai đi tàu vì chặng đường dài”.

Cuối cùng, họ hoàn toàn bị bất ngờ. "Nhiều người muốn đi du lịch hơn chúng tôi có thể đáp ứng. Chúng tôi đã lên kế hoạch về sức chứa 420 chỗ ngồi. Sau hai tuần, mọi chỗ ngồi đã được bán hết. Điều đó khiến chúng tôi choáng váng" - Oliver Spatz nhớ lại.

Ban tổ chức đã phải đối mặt với thử thách khó khăn khi đưa ra một chương trình văn hóa thu hút nhiều người. Họ đã nghĩ ra một kế hoạch cơ bản nhằm vào nhiều đối tượng, với một câu đố và một thư viện di động trên tàu. Hành khách được hỏi những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như đưa ra số bang hoặc tỉnh ở cả hai quốc gia. "Vấn đề là khiến mọi người nói chuyện với nhau" - Wasserman kể.

Các chính trị gia cũng tham gia, đi trên những “Chuyến đi tàu văn hóa”, bao gồm cả Dietmar Woidke, thủ hiến bang Brandenburg của Đức, người đã thảo luận về tương lai của mối quan hệ Đức - Ba Lan trong chuyến đi với cựu thị trưởng Wroclaw Dutkiewicz. Bộ trưởng Văn hóa và châu Âu của Berlin, Klaus Lederer, đã đi tàu cùng các đồng nghiệp Ba Lan để giải thích tình hình ở thủ đô nước Đức.

Dự án được lên kế hoạch thực hiện trong 6 tháng, từ tháng 5 - 10/2016. Nhưng do thành công rực rỡ, với 22.000 hành khách đăng ký chỉ trong năm đầu tiên, dự án đã được gia hạn nhiều lần.

Natalie Wasserman nói: “Chúng tôi luôn nói, cho đến cuối năm, rồi mọi chuyện sẽ kết thúc. Nhưng đoàn tàu vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ và trở thành một điểm nhấn ở cả hai quốc gia. Kết nối đã bị tạm dừng trong một năm trong đại dịch Covid-19, nhưng chuyến tàu đã hoạt động trở lại kể từ tháng 6/2021.

Hành khách đọc sách trên tàu. Ảnh: DW  
Hành khách đọc sách trên tàu. Ảnh: DW  

Sự lan tỏa

“Chuyến tàu văn hóa” trước hết là nơi tổ chức âm nhạc, sân khấu, khiêu vũ và diễn thuyết. Có những đêm khiêu vũ, thứ phù hợp với mọi sở thích. Dorota Danielewicz, một nhà văn gốc Ba Lan đến từ Berlin cho biết: “Có một bầu không khí cởi mở, tuyệt vời trên tàu. Mọi người chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người mới quen". Dorota Danielewicz gần như là một người thường xuyên trên “Chuyến tàu văn hóa”. Đó là nơi cô giới thiệu các cuốn sách "Tìm kiếm linh hồn của Berlin" và "Bài ca trắng". Cô ấy nói rằng cô cũng đi tàu để giải trí.

Natalie Wasserman cho biết: “Chuyến tàu văn hóa” đã giúp tạo ra một mạng lưới vươn xa đến các khu vực xung quanh, đến các TP. Spatz nói thêm rằng các TP khác của Ba Lan, bao gồm Poznan và Szczecin, đã thể hiện sự quan tâm đến dự án. Hơn 80.000 hành khách đã đi tàu kể từ khi thành lập. Vào tháng 3 và tháng 4/ 2022, chuyến tàu cũng chở 6.000 người tị nạn Ukraine từ Ba Lan đến Đức.

Cho đến gần đây, dự án được tài trợ bởi Hiệp hội Đức - Ba Lan ở Berlin, với các bang Berlin và Brandenburg chi trả các chi phí. Công ty nhà nước Kulturprojekte Berlin đã tài trợ cho dự án kể từ tháng 10/2022.

Cuối cùng, Giám đốc dự án Oliver Spatz và nhóm của anh ấy có thể lập kế hoạch xa hơn vào cuối năm nay. Sau chuyến tàu đêm giao thừa gần đây, sẽ có ba tháng tạm nghỉ trước khi tàu khởi hành trở lại vào tháng 4, giờ dừng ở thị trấn Boleslawiec, nổi tiếng với đồ gốm màu xanh đậm. Với 20 USD, hành khách có thể đi từ Berlin đến Wroclaw, với một chương trình văn hóa được đưa vào.

Wolfgang Templin là người dẫn chương trình cho một chuyến đi cho biết: "Người Đức biết quá ít về sự đóng góp của Ba Lan vào lịch sử tự do của châu Âu. Tôi muốn cố gắng thu hẹp khoảng cách đó".

Sự kết nối văn hóa bằng những chuyến tàu là ý tưởng độc đáo và trở thành hiện thực, giúp các vùng văn hóa Ba Lan - Đức giao lưu, gặp gỡ, để từ đó hiểu nhau hơn, trân trọng nhau hơn. Mô hình “Chuyến tàu văn hóa” vì thế ngày càng được chú ý và lan tỏa ở châu Âu, cũng như các nước trên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần