Các nước nỗ lực thích ứng linh hoạt với Covid-19 dù còn nhiều chông gai

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtethi - Nhờ chiến dịch tiêm chủng vaccine được tăng tốc, số người nhiễm Covid-19 trên thế giới có xu hướng giảm dần, tạo điều kiện để chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, tái khởi động các hoạt động kinh tế.

Nhật Bản có thể ​​dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ngăn Covid-19
Japantimes ngày 27/9 đưa tin chính phủ Nhật Bản đang xem xét dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp ngăn Covid-19, hiện đang áp đặt tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh thành khác và sẽ hết hiệu lực vào thứ Năm tuần này.
 Nhật Bản đang xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 19 tỉnh, thành trong tuần này. Ảnh: Kyodo
Dự kiến, chính phủ sẽ tham khảo ý kiến của các chính quyền địa phương trước khi chính thức quyết định có chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay không tại cuộc họp vào ngày 28/9.
Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura hôm 26/9 nói rằng chính phủ sẽ có thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng như dự kiến. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tamura cũng kêu gọi người dân cần thận trọng nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào mùa đông, và yêu cầu người dân tiếp tục tránh các hoạt động đông người làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Theo ông Tamura, việc nới lỏng các hạn chế đối với người dân và doanh nghiệp sau khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cần phải được thực hiện theo từng giai đoạn.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã bày tỏ lạc quan về khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, vốn đang được áp đặt tại 19 tỉnh, thành cho đến cuối tháng, đồng thời khẳng định tình hình dịch bệnh đang có tín hiệu cải thiện. 
Thủ tướng Suga nhấn mạnh tình hình đang diễn biến theo chiều hướng tốt hơn. Theo ông Suga, hiện số ca mắc mới ở Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3.000 ca/ngày so với thời điểm lên tới khoảng 25.000 ca/ngày.
Thủ tướng Suga lưu ý rằng chính phủ sẽ đưa ra quyết định về việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau khi tham khảo ý kiến của giới chuyên gia. Ông Suga cũng thông báo thuốc uống điều trị Covid-19 có thể được sử dụng ngay trong năm nay. 
Hôm 9/9, Nhật Bản đã quyết định gia hạn áp dụng tình trạng khẩn cấp tại 19 địa phương và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với 8 địa phương đến ngày 30/9.

Australia mở cửa biên giới khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt 80%
Ngày 26/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison hy vọng các bang sẽ mở cửa biên giới và nới lỏng các hạn chế khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 đạt 80%. 
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của riêng mình, đồng thời bày tỏ mong muốn cuộc sống bình thường trở lại vào dịp Giáng sinh. 
Trong 24 giờ qua, bang Victoria - bang đông dân nhất của Australia, đã ghi nhận thêm 779 ca nhiễm Coivd-19, giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục 847 ca trước đó 1 ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là ngày có số ca mắc mới cao thứ 2 tại bang kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại bang New South Wales đã có những tín hiệu tích cực. Số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng đã giảm ngày thứ 3 liên tiếp xuống còn 961 ca - mức thấp nhất trong gần 1 tuần, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. 
Ngày 27/9, chính phủ Australia đã công bố kế hoạch sẽ dần nới lỏng biện pháp hạn chế tại Sydney khi số ca mắc mới đang có xu hướng giảm dần và tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng. Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa tại New South Wales, bang đông dân nhất của Australia, sẽ được nới lỏng từ ngày 11/10 đến ngày 1/12 khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên 70%, 80% và 90%.
 Australia lên kế hoạch xem xét nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Sydney khi tỷ lệ tiêm vaccine đạt khoảng 80%. Ảnh: AFP
Theo giới chức Australia, những người chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 sẽ vẫn bị hạn chế trong việc đi lại, tham gia các sự kiện thể thao, đến quán rượu, nhà hàng, cho đến khi 90% tổng số người trưởng thành tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Hiện cả New South Wales và Victoria đều đang vật lộn để khống chế sự lây lan của biến thể Delta, trong khi đẩy mạnh việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân nhằm đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 80% - điều kiện để nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
 
Hàn Quốc không thay đổi lộ trình hồi phục theo giai đoạn
Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đẩy nhanh trở lại cuộc sống bình thường dựa trên tiến độ của chiến dịch tiêm chủng, trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài.
Phát biểu tại một diễn đàn hôm 26/9, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 26/9 tuyên bố nước này vẫn kiên định lộ trình mở cửa theo từng giai đoạn để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, dự kiến bắt đầu từ cuối tháng 10 tới, bất chấp ca nhiễm Covid-19 mới vẫn tăng trong thời gian gần đây.
 Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách đẩy nhanh trở lại cuộc sống bình thường dựa trên tiến độ của chiến dịch tiêm chủng.
“Vào cuối tháng 10, khoảng 70% dân số Hàn Quốc sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Điều đó có nghĩa là không gian cho virus sẽ bị thu hẹp lại rất nhiều. Sau đó, chúng ta sẽ có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo". Tuy nhiên, Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý thêm rằng mọi người vẫn nên chấp nhận những bất tiện như đeo khẩu trang ngay cả khi giai đoạn trở lại cuộc sống bình thường bắt đầu.
Theo Thủ tướng Kim Boo-kyum, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người có nguy cơ cao, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế, trong tương lai gần.
Ông Kim Boo-kyum cũng thông báo thêm bắt đầu từ đầu tháng 10 tới, Hàn Quốc sẽ rút ngắn khoảng cách giữa mũi vaccine thứ nhất và mũi thứ hai để giúp tăng hơn nữa tỷ lệ những người được tiêm chủng đầy đủ.
Thủ tướng Hàn Quốc đã chỉ thị cho các quan chức đảm bảo rằng quy trình cho những người muốn rút ngắn khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm. Ngoài ra, ông cũng thông báo rằng đối tượng tiêm chủng sẽ được mở rộng bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.

Israel chế tạo khẩu trang diệt 99,95% biến thể Delta
Công ty sản xuất khẩu trang Sonovia của Israel ngày 26/9 đã thông báo kết quả thử nghiệm từ phòng thí nghiệm hàng dệt may Vismederi Textyle của Italy, theo đó loại vải của công ty này có khả năng diệt trên 99,95% biến thể Delta.
Theo thông báo của Công ty sản xuất khẩu trang Sonovia, loại vải của họ được phủ bằng các hạt nano bạc và kẽm, qua đó cũng có tác dụng diệt virus gây bệnh cúm A (H1N1). Hiện, phòng thí nghiệm Vismederi Textyle đang tiếp tục thử nghiệm khả năng diệt biến thể MU của virus SARS-CoV-2.
 Khẩu trang vải của Sonovia có khả năng diệt trên 99,95% biến thể Delta. Ảnh: AP
Công nghệ dệt vải của Sonovia sử dụng sóng âm thanh để đưa các hạt nano bạc và kẽm vào các sợi vải trong quá trình dệt. Các tinh thể này lưu giữ trên vải sẽ có tác dụng diệt khuẩn.
Công ty đang có kế hoạch đưa loại vải này ra sản xuất bọc ghế trên các phương tiện giao thông công cộng hoặc làm ga gối trong các khách sạn và cả quần áo thời trang./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần