Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các nước phương Tây gia tăng áp lực ngăn quân đội Myanmar trấn áp biểu tình bạo lực

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - EU cảnh báo đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar, trong khi Washington trừng phạt thêm 2 tướng quân đội nước này do liên quan đến cuộc chính biến hôm 1/2.

Các nước phương Tây đang gia tăng áp lực đối với quân đội Myanmar để tránh hành động trấn áp bạo lực đối với người biểu tình.
Tại Myanmar, hàng trăm nghìn người biểu tình hôm 22/2 đã tham gia vào cuộc Tổng đình công nhằm phản đối cuộc chính biến từ đầu tháng này.
Tại Myanmar, hàng trăm nghìn người biểu tình hôm 22/2 đã tham gia vào cuộc Tổng đình công nhằm phản đối cuộc chính biến từ đầu tháng này.
Làn sóng người biểu tình đã phủ kín các TP lớn của nước này với hàng trăm nghìn lá cờ và lời kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Ky bất chấp cảnh báo từ quân đội Myanmar.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hôm 22/2 thông báo sẽ áp trừng phạt lên nhiều quan chức quân đội Myanmar liên quan cuộc chính biến ngày 1/2 và cảnh báo sẽ hành động mạnh hơn nữa. 
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 22/2, Ngoại trưởng các nước EU nhất trí sẽ thực thi lệnh cấm vận đối với nhiều quan chức quân đội Myanmar- những người trực tiếp chịu trách nhiệm về cuộc chính biến tại quốc gia Đông Nam Á này.
“Chúng tôi đang theo sát diễn biến tại Myanmar và sẵn sàng áp các lệnh trừng phạt nếu biện pháp ngoại giao thất bại” - Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói tại Brussels hôm 22/2.
Tuyên bố ngày 22/2 của Hội đồng EU cho biết khối sẵn sàng "áp đặt các biện pháp hạn chế" và "sẽ tiếp tục xem xét tất cả các công cụ chính sách của mình khi tình hình tiến triển, bao gồm cả chính sách về hợp tác phát triển và các ưu đãi thương mại".
Trong khi đó, ngày 22/2 Mỹ cũng thông báo áp trừng phạt lên 2 thành viên quân đội Myanmar và cảnh báo sẽ có thêm hành động liên quan cuộc đảo chính.
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, động thái này nhằm vào Tướng Maung Maung Kyaw - Tổng tư lệnh lực lượng Không quân và Tướng Moe Myint Tun, cựu Tham mưu trưởng Lục quân và là chỉ huy một trong những cơ quan giám sát các chiến dịch từ thủ đô Naypyidaw.
"Quân đội phải đảo ngược các hành động của mình và khẩn trương khôi phục chính phủ dân bầu ở Myanmar, nếu không Bộ Tài chính Mỹ sẽ không ngần ngại thực hiện các hành động khác", tuyên bố của Washington nêu rõ.  
Trước đó, ngày 11/2, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã áp trừng phạt đối với vào những quan chức quân sự hàng đầu Myanmar, bao gồm cả Thống tướng Min Aung Hlaing.
Anh, Đức và Nhật Bản cũng lên án bạo lực ở Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres hôm 22/2 kêu gọi quân đội Myanmar chấm dứt hành động trấn áp người biểu tình và trả tự do cho hãng trăm người bị bắt.
Trong cuộc chính biến ở Myanmar vừa qua, nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng cầm quyền Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt giữ với cáo buộc gian lận bầu cử.
Quân đội đã nắm chính quyền sau khi cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8/112020, đem lại chiến thắng cho đảng NLD của bà Suu Kyi, dẫn tới hàng loạt cuộc biểu tình khắp khắp đất nước.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar cho biết 684 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án kể từ cuộc đảo chính - bao gồm cả các thành viên cũ của chính phủ và những người chống đối quân đội tiếp quản.