Các quốc gia châu Âu tìm cách độc lập năng lượng khỏi Nga

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Anh và Đức đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, nhằm củng cố an ninh năng lượng trong thời điểm giá cả leo thang do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Tua bin gió ở Finedon, Anh. Ảnh: Reuters
Tua bin gió ở Finedon, Anh. Ảnh: Reuters

Ngày 6/4, Nội các Đức thông qua đề án 600 trang đầy tham vọng về việc lắp đặt các công trình năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu tạo ra gần như toàn bộ điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời vào năm 2035. Trước đó vào năm 2018, Đức đã bắt đầu tổ chức đấu thầu cho dự án xây dựng nhà máy năng lượng gió ngoài khơi, nhưng những năm gần đây tiến độ lại bị chậm lại do các thay đổi và quy định phức tạp.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nói rằng Đức có thể phải sử dụng nhiều than trong nước hơn để lấp đầy khoảng trống ngăn hạn do giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Ông Habeck cho biết chính phủ nước này đã cố gắng cắt giảm đáng kể việc nhập khẩu than, dầu và khí đốt của Nga trong những tháng gần đây, và đặt mục tiêu ngừng nhập khẩu dầu và than từ Nga trong năm nay và ngừng mua khí đốt từ Nga vào giữa năm 2024.

Cùng ngày, chính phủ Anh cũng đặt ra kế hoạch mở rộng khai thác năng lượng hạt nhân và năng lượng ngoài khơi của mình nhằm củng cố sự độc lập năng lượng của nước này. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết kế hoạch này sẽ mở rộng quy mô “năng lượng sạch với giá cả phải chăng và an toàn, được sản xuất tại Anh, dành cho nước Anh”. Ông Johnson nói kế hoạch này sẽ giảm sự phụ thuộc của Anh do sự biến động của giá cả quốc tế, Anh có thể tự cung cấp nguồn năng lượng với công suất lớn hơn và giá cả rẻ hơn.

Chính phủ Đức mới lên nắm quyền tháng 12 vừa rồi cho biết, nước này sẽ tăng công suất lắp đặt các tua bin hoạt động bằng năng lượng gió ngoài khơi từ dưới 8 GW hiện tại lên 30 GW vào năm 2030 và 40 GW vào năm 2035. Đức đặt mục tiêu đến năm 2045 có thể lắp đặt tua bin gió ngoài khơi có công suất 70 GW. Khi đó nước này đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0. Chính phủ Đức đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất gió trên bờ lên 115GW vào năm 2030, tăng gấp bốn lần công suất năng lượng mặt trời, lên 215 GW vào thập kỷ tới.

Trong khi đó, chính phủ Anh đặt mục tiêu đạt 50GW công suất gió ngoài khơi vào năm 2030, ngoài ra nước này đang trong quá trình xây dựng dự án năng lượng mặt trời và cấp phép khai thác dầu khí ở vùng biển phía Bắc.

Các nhà máy chạy bằng khí đốt tạo ra 40% sản lượng điện của Anh vào năm 2021, các nguồn năng lượng khác như gió cung cấp 20%, hạt nhân chiếm 14%, nhập khẩu 9%, còn lại là các loại khác như năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời và than. Chính phủ Anh đồng thời sẽ thúc đẩy các dự án hạt nhân mới càng sớm càng tốt, có thể bao gồm 8 lò phản ứng mới được chuyển giao.

Giá năng lượng tăng vào năm ngoái khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại sau đại dịch, kèm theo ảnh hưởng của cuộc chiến Nga – Ukraine, khiến các nước châu Âu cần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế nếu không muốn kiệt quệ trước hóa đơn tiêu dùng của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần