Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Các quốc gia nghiêm khắc xử lý trên lĩnh vực giao thông

Kinhtedothi - Dù khác biệt về thể chế và điều kiện phát triển, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đều chia sẻ cách tiếp cận chung trong quản lý giao thông: xử phạt nghiêm minh, ứng dụng công nghệ giám sát hiện đại và kết hợp giáo dục hành vi nhằm xây dựng văn hóa giao thông bền vững.

Singapore nghiêm trị vi phạm giao thông

Singapore được xem là một trong những quốc gia châu Á có hệ thống xử phạt giao thông nghiêm ngặt và vận hành hiệu quả. Trật tự và kỷ luật giao thông được đặt ở vị trí quan trọng trong định hướng quản lý đô thị của quốc đảo này. Các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hay lái xe sau khi sử dụng rượu bia đều được xử lý theo những quy định cụ thể, minh bạch, với mức xử phạt đủ sức răn đe.

Theo quy định, người gây tai nạn dẫn đến chết người lần đầu có thể đối mặt với án tù từ 2 - 8 năm. Nếu tái phạm, mức án có thể lên tới 15 năm, đồng thời người vi phạm sẽ bị tước giấy phép lái xe ít nhất 10 năm. Trong khi đó, hành vi lái xe khi say rượu có thể bị phạt từ 2.000 - 20.000 đô la Singapore và có thể kèm án tù tối đa 2 năm. Trong nhiều trường hợp, người vi phạm sẽ bị cấm lái xe vĩnh viễn.

Hệ thống tính điểm trừ trên bằng lái là một phần quan trọng trong cơ chế quản lý vi phạm. Tài xế nếu bị trừ tổng cộng 24 điểm trong vòng 24 tháng sẽ bị treo bằng ít nhất 12 tuần. Người tái phạm có thể bị treo bằng lâu hơn. Đây là cách buộc người dân tự điều chỉnh hành vi, thay vì chỉ đối phó với xử phạt hành chính.

Singapore còn đầu tư mạnh vào giám sát công nghệ. Mạng lưới camera dày đặc được triển khai khắp các tuyến đường để phát hiện vi phạm như vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ. Hệ thống EMAS (giám sát và cảnh báo tai nạn) không chỉ giúp xử lý sự cố nhanh chóng mà còn góp phần điều tiết giao thông hiệu quả hơn.

Một góc nhìn về hệ thống giao thông tại Singapore. Ảnh: CNA

Bên cạnh các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, Singapore còn chú trọng yếu tố giáo dục thông qua Chương trình phục hồi hành vi vi phạm giao thông (TORP). Những người từng vi phạm nếu tham gia đầy đủ và tích cực chương trình này có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt, qua đó khuyến khích việc thay đổi hành vi một cách bền vững và có trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông.

Na Uy xây dựng văn hóa giao thông dựa trên kỷ cương và công bằng

Na Uy là một trong những quốc gia châu Âu có hệ thống xử phạt vi phạm giao thông nghiêm khắc nhất, xuất phát từ triết lý coi trọng sinh mạng con người trên mọi yếu tố khác. Quốc gia Bắc Âu này không chỉ áp dụng mức phạt cao mà còn kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát tốc độ, giám sát công nghệ và xử lý hình sự với những vi phạm nghiêm trọng.

Giới hạn tốc độ tại Na Uy được quy định rõ: 110km/h trên cao tốc, 80km/h ở vùng nông thôn, 50km/h trong đô thị và giảm xuống 30km/h ở khu vực dân cư hoặc gần trường học. Tùy vào mức độ vượt quá giới hạn, tài xế có thể bị phạt từ khoảng 75 đến hơn 1.000 USD. Vượt quá 40km/h trong TP hoặc 50km/h ở nông thôn có thể khiến người vi phạm bị tước bằng ngay lập tức và đối mặt với án tù.

Na Uy áp dụng hệ thống điểm phạt theo hướng tăng tính răn đe: mỗi hành vi vi phạm bị trừ từ 2 - 3 điểm với tài xế có kinh nghiệm, và từ 4 - 6 điểm với người mới lấy bằng. Nếu tổng điểm vi phạm lên tới 8 trong vòng 3 năm, người lái xe sẽ bị tước quyền điều khiển phương tiện trong ít nhất 6 tháng.

Đặc biệt, mức giới hạn nồng độ cồn trong máu ở Na Uy là 0,02% - một trong những mức thấp nhất thế giới. Việc vượt quá ngưỡng này có thể dẫn đến hình phạt tương đương khoảng 1,5 tháng lương cơ bản, kèm theo tước giấy phép lái xe và trong một số trường hợp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, các hành vi tưởng chừng đơn giản như không thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại trong khi lái xe hay không nhường đường cho người đi bộ cũng đều bị xử phạt ở mức từ 350 - 1.000 USD.

Na Uy cũng chú trọng ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông thông qua việc triển khai rộng rãi hệ thống camera giám sát và thiết bị đo tốc độ tự động. Việc này không chỉ giúp giảm tải cho lực lượng tuần tra mà còn góp phần nâng cao tính khách quan, công bằng trong quá trình xử lý vi phạm. Theo các nghiên cứu của Viện Giao thông Na Uy, hệ thống điểm phạt mang lại hiệu quả tích cực rõ rệt, đặc biệt đối với những tài xế từng vi phạm. Họ thường có xu hướng tuân thủ luật giao thông chặt chẽ hơn sau khi bị xử phạt, cho thấy tác dụng lâu dài của cơ chế điều chỉnh hành vi này.

Canada duy trì kỷ luật giao thông trong hệ thống liên bang

Tại Canada, mặc dù mỗi tỉnh bang có hệ thống quy định riêng về xử phạt giao thông, nhưng đều thống nhất ở tính nghiêm túc trong thực thi và sự đầu tư bài bản vào giám sát. Các hành vi phổ biến như chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi lái xe, không nhường đường cho người đi bộ hoặc điều khiển phương tiện không có bảo hiểm đều được xử lý theo hướng rõ ràng và dứt khoát, nhằm bảo đảm an toàn chung cho toàn bộ hệ thống giao thông trên toàn quốc.

Tại tỉnh Ontario, một trong những địa phương có khung pháp lý giao thông nghiêm ngặt nhất, một tài xế từng bị phạt tới 7.000 USD trong một lần vi phạm: chạy quá tốc độ, đi sai làn HOV và không có bảo hiểm. Người này còn bị treo bằng 30 ngày, tạm giữ xe 14 ngày và cộng 6 điểm vi phạm vào hồ sơ, làm tăng nguy cơ bị mất bằng trong tương lai.

Tỉnh British Columbia cũng triển khai các chiến dịch kiểm tra tốc độ quy mô lớn. Trong một chiến dịch kéo dài hai ngày tại TP Abbotsford, 42 tài xế đã bị xử phạt tổng cộng hơn 15.000 USD. Một trường hợp vi phạm nặng, chạy 91 dặm/giờ ở khu vực chỉ cho phép 35 dặm/giờ, bị tạm giữ xe trong một tuần.

Ở Alberta, chính quyền có quy định chặt về sử dụng rượu bia khi lái xe. Nếu nồng độ cồn trong máu từ 0,05% đến dưới 0,08%, tài xế bị treo bằng và tạm giữ xe 3 ngày, phạt khoảng 300 USD kèm 20% phí nạn nhân. Vượt ngưỡng này, tài xế có thể bị phạt tù, buộc học lại chương trình giáo dục và tước bằng trong thời gian dài.

Canada cũng áp dụng hệ thống điểm vi phạm (demerit points) rộng rãi. Tại Ontario, nếu tài xế tích lũy từ 15 điểm trở lên, bằng lái sẽ bị đình chỉ trong 30 ngày. Những hành vi như vượt đèn đỏ, không nhường người đi bộ, dùng điện thoại khi lái xe đều bị cộng điểm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia pháp lý tại Canada lưu ý rằng việc kháng cáo vé phạt không phải lúc nào cũng đem lại lợi ích. Nếu thất bại, mức phạt có thể tăng nặng, trong khi lựa chọn chấp nhận nộp phạt và cải thiện hành vi thường là cách tiếp cận thực tế hơn đối với phần lớn trường hợp.

Đội Cảnh sát giao thông số 6: xử lý hàng loạt xe quá tải

Đội Cảnh sát giao thông số 6: xử lý hàng loạt xe quá tải

Quảng Ngãi tăng cường kiểm soát an giao thông trên tỉnh lộ 624

Quảng Ngãi tăng cường kiểm soát an giao thông trên tỉnh lộ 624

Khởi tố vụ án tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long khiến nữ sinh tử vong

Khởi tố vụ án tai nạn giao thông ở Trà Ôn, Vĩnh Long khiến nữ sinh tử vong

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

Trung Quốc, Mỹ và cuộc đối thoại thương mại đầy thử thách tại Geneva

10 May, 07:58 PM

Kinhtedothi - Vào sáng thứ Bảy, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lệ Băng đã khởi động cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Geneva. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang vào đầu năm nay.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ