Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tỉnh cấm biển, di dời dân, hoãn cuộc họp không cần thiết để ứng phó bão số 3

Vĩnh Quân - Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định đều ảnh hưởng bởi bão số 3, trong đó trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng.

Vị trí và đường đi của bão số 3.
Tầm ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào hồi 13h chiều nay (1/8), vị trí tâm bão số 3 cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5 - 10km và đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 3 đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10km.
Đến 13h ngày 2/8, vị trí tâm bão số 3 ở ngay phía Đông Móng Cái (Quảng Ninh). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90km/h), giật cấp 12.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, hiện tại đĩa mây của bão đã hoàn chỉnh và đây là cơn bão có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, gây gió mạnh ở khắp đồng bằng Bắc Bộ trong những ngày tới.
"Các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định đều ảnh hưởng gió bão, trong đó trọng tâm là Quảng Ninh và Hải Phòng. Cụ thể, các tỉnh Quảng Ninh đến Thanh Hoá gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, riêng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng có khả năng gió bão mạnh cấp 7 - 8, giật cấp 10 - 11", Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin thêm.
Ngoài ra, dự báo bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường nên nước dâng do ảnh hưởng của bão có thể lên tới trên 3m. Do ảnh hưởng của mưa bão, các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Thanh Hoá và Nghệ An có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Khẩn trương di dời dân ở những vùng nguy hiểm
Để chủ động ứng phó bão số 3, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch các quận, huyện, sở ban ngành, cơ quan đơn vị thực hiện kiểm đếm thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú bão an toàn.
Quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển.
Chủ động thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo đê điều, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.
Đối với các hoạt động giao thông vận tại đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí khu vực biển, đảo, ven sông sẽ dừng hoạt động từ 17h ngày 1/8/2019.
Tổ chức di chuyển toàn bộ người dân tại các chòi nuôi ngao về nơi an toàn trước 17h ngày 01/8/2019. Di dời dân tại các khu vực xung yếu, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, trên các phương tiện thủy đã về nơi neo đậu và tại các khu chung cư cũ, nhà xuống cấp về địa điểm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trước 7h ngày 2/8/2019. Sở Giao thông vận tải thông báo các phương tiện không di chuyển qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Tăng cường phương tiện thủy tại bến phà Gót, đảm bảo yêu cầu đưa người dân và khách du lịch di chuyển về đất liền trước thời gian dừng hoạt động các phương tiện vận chuyển hành khách trên sông, biển.
Các lực lượng phối hợp kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Ông Vũ Tiến Lập - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thể thao huyện Cát Hải thông tin thêm: Địa phương đã yêu cầu các cơ sở lưu trú trên đảo Nam Cát, Ba Cát Bằng, Tháp Nghiêng Cát Dứa 2, Cát Ông đưa khách vào bờ trước 10h ngày 1/8/2019. Hiện số khách còn lưu trú ở tại địa bàn là 1.898 khách (khách quốc tế là 285 khách). Nhiều công ty lữ hành và các đoàn khách đã hủy tour do bão trước đó.

Đối với tàu thuyền khai thác đã vào nơi neo đậu tổng là 1.042 phương tiện với 3.87 lao động. Phương tiện ngoài huyện neo đậu tránh trú bão trên địa bàn là 260 phương tiện với 1.309 lao động. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đã di dời bè tại vị trí xung yếu; 26/30 bè về vị trí tránh bão an toàn. Triển khai phương án 4 tại chỗ; Huy động 1.771 người; bao tải 5.200 chiếc; cọc tre 4.300 chiếc, mai cuốc xẻng 395 chiếc, nhà bạt 7 bộ… mỳ ăn liền 628 thùng, lương thực 27, 5 tấn…

Đối với huyện đảo Bạch Long Vĩ, Bộ đội biên phòng đã cùng với các Ban ngành địa phương cẩu kéo được 112 phương tiện, đưa 151 người lên bờ tránh bão an toàn.

Trong khi đó, thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, đơn vị đã yêu cầu dừng cấp phép với tàu vận tải, tàu du lịch, các tàu đang chạy tuyến đảo phải kết thúc trước 12h ngày 1/8/2019. Ở huyện đảo Cô Tô hiện còn 307 khách lưu trú (4 khách nước ngoài).

Ngoài ra các địa phương cũng hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung cho công tác phòng, chống bão.

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các đơn vị tuyến biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 38 điểm theo quy định.

Đồng thời phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 70.000 phương tiện; 757 tàu du lịch, tàu khách; 218 tàu vận tải… biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh và thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, bộ đội biên phòng các tỉnh thành trong khu vực trên duy trì thường trực 6.884 cán bộ chiến sĩ với 300 phương tiện sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.