Trên thực tế thì câu chuyện trạm thu phí BOT vấp phải sự phản ứng của người dân và tài xế trong thời gian qua chưa bao giờ chấm dứt hẳn mà vẫn âm ỷ tại một số nơi.
BOT đã thật sự bớt nóng?
Ngày 26/12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 với sự tham gia Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Người đứng đầu ngành GTVT đã đưa ra những đánh giá đáng chú ý về tình hình tại các dự án BOT giao thông trong năm vừa qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong năm 2019, nhìn chung tình hình tại các trạm BOT đã cơ bản ổn định dù việc giải quyết các vấn đề thu phí hiện vẫn còn khó khăn. Theo người đứng đầu Bộ GTVT, hiện hầu hết các trạm BOT đã đi vào hoạt động trước kia đều duy trì được tình trạng ổn định, không có vấn đề gì xảy ra trong thời gian qua. Để đạt được điều này là nhờ các giải pháp đưa ra đã kiềm chế những bất đồng phát sinh.
Tuy nhiên, tại một số trạm thu phí mới, ông Thể thừa nhận “đâu đó vẫn còn trạm thu phí phát sinh các vấn đề”. Điển hình là tại Trạm BOT Ninh Xuân (tỉnh Khánh Hòa) và Trạm thu phí trên QL26 (tỉnh Đắk Lắk) thời gian gần đây vẫn xảy ra tình trạng nhiều người tập trung phản đối và có những động thái gây rối, cố tình cản trở công tác thu phí tại trạm.
“Nóng” nhất có lẽ vẫn là tại Trạm BOT Ninh Xuân. Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện thu phí (16/12), tại đây đã xuất hiện nhiều tài xế tập trung phản ứng. Họ cố tình đỗ xe tại làn thu phí hoặc đi lòng vòng không chịu mua vé để gây khó khăn cho việc bán vé. Điều này khiến giao thông tại trạm bị ùn tắc liên tục và trạm này cũng thường xuyên phải xả trạm do không thể hoạt động.
Trước tình trạng trên, Bộ GTVT đã phải ra công điện gửi tới UBND tỉnh Khánh Hòa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và công ty TNHH CICO 501 BOT QL26 ề việc đảm bảo ANTT và ATGT tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Ninh Xuân (Km8+800, QL26 tỉnh Khánh Hòa) thuộc dự án đầu tư xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo nâng cấp tuyến QL26 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk theo hình thức hợp đồng BOT. Tuy nhiên, hiện tình hình ở BOT Ninh Xuân vẫn chưa hết căng thẳng.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 2 năm 2018 và 2019 đã có 41/62 dự án BOT đường bộ được giảm phí. Còn về công tác xử lý bất cập tại các trạm BOT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý bất cập tại một số trạm thu phí BOT, như: Cai Lậy, Thái Nguyên – Chợ Mới, Quốc lộ 14, Quán Toan – Cầu Nghìn..
Đã xử lý xong các điểm đen tai nạn trên đèo Lò Xo
Cũng trong hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2019 đơn vị đã thực hiện đấu thầu qua mạng 100% dự án, gói thầu bảo trì đường bộ. Đây là bước đi quan trọng nhằm công khai minh bạch công tác bảo trì đường bộ cũng như tăng tính cạnh tranh.
Đặc biệt, năm 2019 là năm công tác đảm bảo ATGT được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện quyết liệt. Hiện toàn bộ 100% điểm đen tai nạn giao thông đã được xử lý. Tính đến này 24/12 đã giải ngân trên 80% nguồn vốn sửa chữa đường bộ được cấp với tổng khối lượng trên 6 triệu m2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao công tác xử lý triệt để các điểm đen và vị trí tiềm ẩn tai nạn giao thông mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm được trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là tại những điểm đen tai nạn trên đèo Lò Xo (tỉnh Kon Tum) trước kia vẫn là nỗi ám ảnh thường trực của các tài xế. Từ khi xử lý dứt điểm các điểm đen này, TNGT trên đèo Lò Xo đã giảm hẳn.
“Đèo Lò Xo năm 2018 có tới 18 vụ tai nạn, làm năm người chết. Năm nay dù có 11 vụ tai nạn nhưng không có người chết. Đặc biệt hệ thống cứu nạn cứu được 6 xe mất phanh, đây là bài học vô cùng quý giá đối với việc xử lý các điểm đen tai nạn” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận định đồng thời yêu cầu ổng cục Đường bộ Việt Nam cần rà soát, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn trung hạn 2021-2025 để kịp thời sửa chữa hư hỏng, nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ.