Các trường đại học top đầu dự kiến phương thức tuyển sinh năm 2022

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để lựa chọn được thí sinh đạt chất lượng tốt nhất, các trường đại học (ĐH) top đầu dự kiến mùa tuyển sinh năm 2022 sẽ thực hiện đa dạng phương thức xét tuyển, trong đó sẽ tổ chức kỳ thi riêng hoặc sử dụng kết quả kỳ thi từ ĐH, trường ĐH khác tổ chức.

Trường đại học top đầu chủ động tổ chức thi riêng
Bộ GD&ĐT đã có thông báo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 có mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông. Về phía lãnh đạo các trường ĐH cho rằng, từ năm 2020, Kỳ thi THPT Quốc gia được đổi tên thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy bản chất của kỳ thi này đã thay đổi. Tuy nhiên, kỳ thi này còn có mục đích nhỏ hơn là để các trường ĐH sử dụng kết quả xét tuyển ĐH để giữ ổn định, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Vì thế, bên cạnh xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường ĐH top đầu đã chủ động có thêm những phương thức xét tuyển khác để mong muốn lựa chọn được những thí sinh có chất lượng. Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy,...
 Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2021. Ảnh: VNU.
“Năm 2022, nhà trường vẫn bình ổn tổng chỉ tiêu tuyển sinh 7.400, như năm 2021 để đảm bảo yêu cầu chất lượng đào tạo. Về phương thức tuyển sinh, nhà trường dành 20% chỉ tiêu đối với xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 40% chỉ tiêu và xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy 40%; nhưng có thể thay đổi vì còn phụ thuộc vào chính sách của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi tới. Và, tùy tình hình thực tế, trường sẽ xem xét cân nhắc tăng phần trăm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy để đảm bảo chất lượng đầu vào” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay.
Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Thị Hiền cho rằng, các trường ĐH có quyền quyết định việc có sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, chứ Bộ GD&ĐT không ép buộc hay quy định gì. “Về phía trường ĐH Ngoại thương có quan điểm ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021, trong đó có phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuy nhiên, tỷ trọng chỉ tiêu sẽ có sự thay đổi dựa trên thông tin chính thức của Bộ GD&ĐT về kỳ thi này (năm 2022 là 30%). Nhà trường duy trì sử dụng phương thức 5 xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức”.
Kết quả học bạ chỉ nên dùng làm sơ tuyển
Như vậy, các trường ĐH top trên như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội... đã có định hướng rõ ràng trong tuyển sinh đó là giảm dần chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà bổ sung thêm các phương thức khác để đầu vào có chất lượng và tạo nhiều cơ hội xét tuyển cho thí sinh. Các trường ĐH khác chưa có điều kiện tự tổ chức kỳ thi riêng, hoàn toàn có thể sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, kết quả Kỳ thi tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Cũng có những ý kiến cho rằng, đối với các trường ĐH top giữa, top cuối có thể xét tuyển học bạ, nhưng để đảm bảo được chất lượng thì  phải kèm theo tiêu chí khác. “Hiện nay độ tin cậy từ học bạ rất thấp, chất lượng không đồng đều. Đó là chưa nói đến xét tuyển học bạ dẫn đến tiêu cực, nhẹ thì xin điểm, nặng là mua điểm. Học bạ chỉ nên là tiêu chí phụ, tiêu chí chính vẫn nên là kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển cho các ngành ĐH” – TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
 Thí sinh và phụ huynh đang tìm hiểu thông tin về ngành đào tạo tại gian hàng trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021. Ảnh: Thủy Trúc.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc xét tuyển ĐH bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không phù hợp với các trường ĐH top trên, bởi thực tế năm nay đề thi dễ quá dẫn tới nhiều thí sinh điểm cao tới 29, 29,5 vẫn bị trượt ĐH nguyện vọng 1. TS Lê Viết Khuyến cho rằng, mấy năm nay, đề thi của Bộ GD&ĐT đã được ra theo hướng tiêu chuẩn hóa với ngân hàng câu hỏi đang được bổ sung dần. Tuy nhiên, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng dẫn đến chương trình học tinh giản nên nội dung thi không còn tiêu chuẩn hóa. “Đề thi tiêu chuẩn hóa, chỉ có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 70 – 80%, chứ không phải trên 99% như hiện nay; câu hỏi trong đề thi phải được phân hóa, kết quả thi là phổ điểm 1 hình chuông chứ không phải như môn Tiếng Anh có 2 đỉnh hình chuông.
Với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường top đầu có thể dùng để sơ tuyển cho ngành hot. Ví dụ, trường ĐH Y Hà Nội, tuyển 200 chỉ tiêu ngành Bác sĩ đa khoa có thể lấy tới 2.000 thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT điểm từ 26 trở lên, sau đó nhà trường tổ chức làm bài kiểm tra để xét tuyển lấy 200 em. Với cách làm này sẽ không có câu chuyện thí sinh 29 điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn trượt. Những trường ĐH top giữa và top dưới hoàn toàn có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH mà không cần phải tổ chức kỳ thi riêng” – ông Khuyến đưa ra đề nghị.
Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến có băn khăn về việc các trường ĐH tổ chức thi riêng để chọn được  thí sinh như mong muốn nhưng sẽ gây áp lực cho thí sinh. Về việc này, PGS Nguyễn Phong Điền cho rằng, đề thi tư duy không vượt quá phạm vi kiến thức học sinh được học, có nghĩa các em học gì thi nấy. Phương thức thi được tổ chức gọn nhẹ, theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thí sinh làm bài thi trong 1 buổi sáng (180 phút) là xong. Khi nhà trường tổ chức Kỳ thi đánh giá tư duy, các trường trong khối ngành công nghệ cùng sử dụng kết quả để lấy được thí sinh tốt và ảo tuyển sinh giảm đi nhiều.