Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường ở TP lớn được nâng tầng để giải quyết thiếu phòng học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi thực hiện nâng tầng công trình, các nhà trường phải bố trí những phòng học và phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp. Các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

 Ảnh minh họa
Để chuẩn bị cho năm học mới và triển khai lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các sở GD&ĐT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ về cơ sở vật chất (CSVC) và thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp với mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường, lớp học ở các khu đô thị mới, tái định cư, khu đông dân cư, các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục có tổ chức nội trú, bán trú cho học sinh.

Bên cạnh đó, các phòng GD&ĐT tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Đồng thời xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, ưu tiên bảo đảm 1 lớp/phòng cho học sinh nội trú, học sinh bán trú để đảm bảo đủ điều kiện thực hiện chương trình SGK mới. Đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp.

Đối với cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc TP lớn đông dân cư nếu thiếu phòng học nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành. Sau khi thực hiện nâng tầng các công trình phải bố trí các phòng học và phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp. Các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sữa chữa, nâng cấp.

Để có phương án cung ứng đủ, kịp thời SGK trong năm học mới, các phòng GD&ĐT rà soát, thống kê số lượng học sinh hiện có, đặc biệt chú trọng học sinh đầu cấp. Cùng với đó, lập kế hoạch cung cấp SGK cho các đối tượng ưu tiên bảo đảm đúng chế độ và kịp thời phục vụ năm học.

Thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, các phòng GD&ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành thủ tục quyết định đầu tư và triển khai thực hiện các dự án, công trình thuộc danh mục được phê duyệt. Trong đó, việc đầu tư phải gắn với quy hoạch của các cơ sở GD&ĐT để hướng tới xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, dồn dịch các điểm trường lẻ để tránh lãng phí trong đầu tư; bảo đảm quỹ đất để xây dựng công trình tại địa điểm đầu tư.

Các công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa phải được thiết kế theo các tiêu chuẩn về thiết kế trường học hiện hành, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiên cố, bền vững, đầy đủ công năng, diện tích, ánh sáng.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các sở GD&ĐT tham mưu với UBND cấp tỉnh dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Cũng như thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các địa phương khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn trong dân cư, các DN và nhà đầu tư dưới nhiều hình thức để góp phần giải quyết các khó khăn tỏng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học.