Trung Quốc đẩy mạnh xây cầu qua sông
Xây dựng cầu qua sông là một trong những chính sách quan trọng của chính phủ Trung Quốc trong những năm qua nhằm phá vỡ những rào cản về mặt địa lý, giúp cải thiện giao thông, tạo tiền đề quan trọng cho việc trao đổi kinh tế, thông tin và nhân sự giữa các khu vực, giúp tăng thu nhập của người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo số liệu thống kê do Bộ GTVT Trung Quốc công bố, tính đến cuối năm 2022, quốc gia tỷ dân có 1,03 triệu cầu đường bộ, với tổng chiều dài 85,76 triệu mét tuyến tính. Trong đó, có 8.816 chiếc là những cây cầu siêu lớn, với tổng chiều dài 16,21 triệu mét tuyến tính. Không những vậy, Trung Quốc có 8 trong số 10 cây cầu treo lớn nhất thế giới, 5 trong số đó hiện đang được xây dựng. Đất nước này cũng có 9/10 cây cầu dây văng và 8/10 cây cầu vòm dài nhất thế giới.
Sau nhiều năm kiên trì học hỏi và đổi mới, nền kinh tế số hai thế giới giờ đây đã có đủ nguồn lực về công nghệ và thiết bị sản xuất, trình độ kỹ thuật để thiết kế và xây dựng các cây cầu qua sông, trên biển cũng như xuyên TP. Đặc biệt, nước này đã ứng dụng đột phá công nghệ vào xây cầu, chẳng hạn như: hệ thống vệ tinh dẫn đường Beidou giúp hỗ trợ lập mô hình địa chất 3D trong khảo sát đất liền với độ chính xác lên từng centimet. Bên cạnh đó, một loạt các thiết bị thông minh khác cũng đang được phát triển và đưa vào sử dụng như: nhà máy sản xuất kết cấu thép thông minh, nhà máy xây dựng tháp đa chức năng và robot hàn, giúp cải thiện đáng kể năng lực xây cầu của Trung Quốc.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã hoàn thiện một số cây cầu bắc qua sông, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển mạng lưới giao thông mạnh mẽ.
Vào 28/4/2023, cầu Lingdingyang, một trong những cầu nối Thâm Quyến - Trung Sơn tại tỉnh Quảng Đông đã hoàn thành những bước cuối cùng, với tổng chiều dài lên đến 17km. Tuyến đường xuyên biển này dự kiến sẽ thông xe vào năm 2024. Sau khi hoạt động, thời gian di chuyển giữa Thâm Quyến và Trung Sơn sẽ giảm từ hai tiếng xuống còn 10 phút. Tại tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc, cầu sông Dương Tử Trương Gia Cảng - Tĩnh Giang - Như Cao hiện đang được tiến hành. Cây cầu dài 7.859m, với phần chính bắc qua sông Dương Tử dài 2.300m, kết nối các TP Tô Châu, Thái Châu và Nam Thông của tỉnh Giang Tô. Tại sông Dương Tử tỉnh Hồ Bắc, một dự án cầu sông hai tầng đang được xây dựng. Đến nay, phần móng của tháp cầu đã hoàn thành và dự kiến việc xây dựng sẽ kết thúc vào tháng 4/2024.
Ngoài ra, cách Trạm thủy điện Long Đàm ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây khoảng 6km, cầu Thiên Nga Long Đàm dự kiến sẽ thông xe vào cuối năm nay. Sau khi hoàn thành, nó sẽ là cây cầu vòm có nhịp dài nhất thế giới, với nhịp chính dài 600m. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xây dựng cây cầu cao nhất thế giới Huajiang Grand Canyon ở phía Tây Nam tỉnh Quý Châu. Công trình bắc ngang sông Hua, nơi được mệnh danh là vết nứt của Trái đất, sẽ được hoàn thành vào tháng 6/2025, với chiều dài 2.890m và cao đến 625m.
Chắc chắn, những công trình này sẽ góp phần khẳng định sức mạnh và tiềm lực của Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng và công nghệ trên toàn cầu.
Những cây cầu danh tiếng bậc nhất nước Mỹ
“Xứ cờ hoa” nổi tiếng với những cây cầu vừa cổ kính, lâu đời nhưng vẫn phô bày sự tráng lệ và hiện đại, là minh chứng cho khả năng sáng tạo tuyệt vời của những kiến trúc sư tài hoa cũng như tiềm lực công nghệ, kỹ thuật đáng kinh ngạc, vượt thời đại.
Ngay từ năm 1883, TP New York đã đưa vào lưu thông một trong những cây cầu treo dài nhất của nước Mỹ, cầu Brooklyn. Cầu có trụ nhịp chính dài 486m, cao 84,3m, với sáu làn xe lưu thông dành cho xe ô tô. Công trình này cũng là minh chứng cho những tiến bộ kỹ thuật vào thế kỷ XIX khi lần đầu tiên sử dụng thép làm dây cáp và các tháp đá granite, tạo thành lối đi an toàn và mang tính thẩm mỹ. Do kết nối Manhattan với Brooklyn, cây cầu này có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống giao thông của New York khi cho phép hàng nghìn người lưu thông giữa hai bờ vịnh bằng tàu điện ngầm, đi bộ, xe đạp và ô tô. Ngoài ra, cầu Brooklyn còn là điểm đến tuyệt vời dành cho khách du lịch cũng như là nơi có thể ngắm cảnh toàn TP.
Vào năm 1937, TP San Francisco, California, đã chào đón một trong những cây cầu kỳ diệu bậc nhất của nước Mỹ: cầu Cổng Vàng. Với chiều dài lên đến 2,7km, cây cầu này nối liền bờ Đông và bờ Tây của Vịnh San Francisco và được xem là kỳ quan kiến trúc của thế kỷ XX. Cầu được xây dựng với hai tháp chính, mỗi tháp có chiều cao khoảng 227m. Các dây cáp đan xen với nhau tạo thành một mạng lưới vững chắc, giúp cầu không bị mất cân bằng và duy trì trạng thái ổn định khi có người và xe cộ qua cầu. Ngoài ra, cầu còn được bảo vệ bởi lớp sơn chống rỉ, chống ăn mòn để tránh các tác động của thời tiết.
Ra đời vào năm 1977, cầu New River Gorge đã giải quyết được khó khăn trong vấn đề đi lại của người dân tại thị trấn Fayetteville, tiểu bang West Virginia cũng như rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực. Trước khi có cầu, khách du lịch sẽ phải mất khoảng 40 phút để lái xe dọc theo sông và những con đường núi nhỏ hẹp, hiểm trở, điều mà họ chỉ mất khoảng một phút lái xe ô tô trên cùng chuyến đường, kể từ khi cây cầu được đưa vào lưu thông.
Cầu Chesapeake Bay, hay còn được gọi là cầu Vịnh, được khánh thành vào năm 1952 với chiều dài lên đến 6.920 mét. Tuy nhiên, cầu này chỉ dành cho xe ô tô và có thu phí. Cầu có hai làn đường một chiều và một làn đường hai chiều. Mặc dù không mở cửa cho người đi bộ, du khách vẫn có cơ hội thưởng ngoạn và đi bộ trên công trình độc đáo này trong dịp Governor’s Bay Bridge, sự kiện diễn ra vào ngày Chủ nhật đầu tiên trong tháng 5.
Là một trong những công trình kiến trúc tuyệt mỹ với thiết kế tương tự những cánh buồm, cầu Sunshine Skyway bắc qua TP Tampa Bay với chiều dài đáng kinh ngạc lên đến 6.668m. Một số chuyên gia cho biết công trình này được đề xuất bởi Cựu Thống đốc Florida Bob Graham dựa trên hình dáng ấn tượng của cây cầu Brotonne mà ông đã chiêm ngưỡng trong chuyến thăm nước Pháp.