Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: Năm 2024, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 61 tuổi, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 56 tuổi 4 tháng.
Để đủ điều kiện hưởng lương hưu, người lao động phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu năm đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo cách sau để có lương hưu:
- Người lao động đóng bảo hiểm bắt buộc:
Tại Khoản 4, Điều 15, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, quy đinh:
Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng thì được lựa chọn đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để hưởng lương hưu. Người lao động được hưởng lương hưu tại tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và đã đóng đủ bảo hiểm xã hội cho số tháng còn thiếu.
Như vậy, với quy định này, khi người lao động thiếu tối đa 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội thì hoàn toàn được đóng một lần để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
- Người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Tại Điều 9, Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, quy định:
Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Với quy định này, người lao động được đóng một lần cho thời gian tham gia bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.