Cách doanh nghiệp IT Việt vươn ra thị trường thế giới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản đã và đang là “bàn đạp” của nhiều DN IT Việt trong quá trình bước ra thị trường thế giới. Tuy khả năng cạnh tranh khốc liệt nhưng tại đây, cơ hội mở ra cho những DN dám nghĩ, dám làm đang là rất lớn.

Văn phòng CodLUCK Technology, một thành viên của liên minh JDXP. Ảnh: CodLUCK Technology
Văn phòng CodLUCK Technology, một thành viên của liên minh JDXP. Ảnh: CodLUCK Technology

Thành lập liên minh

Mới đây, 15 DN IT nhỏ và vừa của Việt Nam đã thành lập liên minh Japan DX Partners (JDXP) với mục tiêu cùng nhau tiến vào Nhật Bản, một thị trường hàng đầu của ngành công nghệ thông tin trong nước. JDXP đặt mục tiêu sẽ có được doanh thu trong 3 năm tới vào khoảng 3 tỷ Yên tương đương với 22 triệu USD.

Với tổng số nhân viên lên đến 1.200 người, chuyên môn của các DN thuộc JDXP trải dài trên nhiều mảng của ngành IT, trong đó không thiếu những lĩnh vực “hot” như hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), thương mại điện tử…

Ở giai đoạn đầu, JDXP đã có bước tiến quan trọng khi đạt được thỏa thuận hợp tác với nhà tích hợp hệ thống tầm trung của Nhật Bản Have a Talk. Đây sẽ là đầu mối liên hệ để nhận đơn đặt hàng từ các công ty Nhật Bản và chuyển nguồn việc này đến các DN trong liên minh. Dự kiến, “cái bắt tay” này sẽ đem về cho JDXP khoảng 600 triệu Yên trong 3 năm tới.

Phía Have a Talk cũng đánh giá rất cao năng lực của các DN IT Việt Nam. Đại diện đơn vị này cho biết, trước đây, việc khách hàng Nhật thuê ngoài DN Việt chỉ giới hạn ở một số đầu mục cụ thể nhưng tới hiện tại mọi thứ đã có chuyển biến rõ ràng. DN Việt đã khẳng định được năng lực công nghệ của mình ở tầm quốc tế, do đó các đơn hàng từ Nhật cũng tăng mạnh cả về số lượng, kinh phí cũng như chất xám khi dần chuyển từ gia công sang sáng tạo.

Theo CEO của CodLUCK (DN thuộc JDXP) Nguyễn Vũ Hiền, trong lĩnh vực IT, Việt Nam đang có lợi thế hơn Nhật Bản khi có nhiều kỹ sư trẻ, do đó việc thích nghi với những công nghệ mới như blockchain hay AI cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các công ty chuyên về IT Nhật Bản, ông Hiền khẳng định, DN IT Việt đang có cơ hội rất lớn ở thị trường Nhật.

Có cùng ý kiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, do tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT ở Nhật là khá lớn, mà đây lại là lợi thế của Việt Nam, điều này đồng nghĩa với tiềm năng dành cho DN Việt vẫn còn rất nhiều. Về lĩnh vực cũng khá rộng, từ ngân hàng, tài chính cho đến giải trí, bán lẻ… Đặc biệt cũng không thiếu các dự án ở tầm cao mà DN Việt có thể nhận được như tư vấn giải pháp, R&D…

Có một số dữ liệu thống kê rất đáng chú ý, trong năm 2022, tổng doanh thu nước ngoài của các DN IT Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD và FPT là DN công nghệ số đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD tại thị trường ngoại. Điểm chung của các số liệu này là khoảng 60% đến từ thị trường Nhật Bản.

Nhiều hình mẫu thành công

Từ nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản luôn là thị trường nhiều tiềm năng được các DN CNTT Việt Nam tập trung hướng tới mỗi khi có ý định tiến ra quốc tế. Nhắc đến DN Việt thành công tại Nhật không thể không kể tới Hybrid Technologies. Đây là DN IT đầu tiên do người Việt sở hữu được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo (năm 2021). Đáng chú ý, ở thời điểm lên sàn, Hybrid Technologies mới chỉ có 6 năm hoạt động, con số rất khiêm tốn so với độ tuổi trung bình của các DN niêm yết khác là 20 năm.

Hoạt động đa dạng và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực từ gia công phần mềm, chuyển đổi số cho đến bảo mật… đã giúp Hybrid Technologies thu được kết quả ấn tượng trên sàn chứng khoán. Tính tới cuối năm 2022, tròn một năm sau thời điểm niêm yết, giá cổ phiếu của DN này đã tăng gấp đôi, qua đó nâng giá trị vốn hóa thị trường lên hơn 100 triệu USD. Hybrid Technologies cũng xếp thứ 6 trong Top 10 công ty có tốc độ tăng giá cổ phiếu cao nhất tại Nhật trong năm vừa qua.

Theo CEO Hybrid Technologies Trần Văn Minh, DN IT Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế nếu tham gia vào thị trường Nhật. Có thể kể đến như nhân sự trẻ với số lượng đông, thái độ làm việc nghiêm túc nhưng lại linh hoạt trong việc chỉnh sửa sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng, hơn thế nữa giá cả cũng rất cạnh tranh. Không chỉ vậy, với mối qua hệ hơn 50 năm giữa Nhật Bản và Việt Nam, do đó DN Việt cũng được tạo nhiều cơ hội từ phía Chính phủ nước này khi tham gia hoạt động tại đây.

Bên cạnh đó là FPT, DN công nghệ thành công nhất của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Việc trở thành DN IT nước ngoài hàng đầu tại Nhật là bàn đạp để FPT thực hiện mở rộng sang các thị trường quốc tế khác như Mỹ, châu Âu…

Sau 17 năm hoạt động tại đất nước mặt trời mọc, FPT Japan (chi nhánh FPT Software tại Nhật, trực thuộc Tập đoàn FPT) đã có hơn 1.700 nhân sự với 12 chi nhánh trải dài khắp đất nước này. Có tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 30%/năm, trong năm 2021, FPT Japan đã góp 38% vào tổng doanh thu của FPT Software.

Hiện tại, đây cũng đang là DN thuộc Top 50 DN CNTT lớn nhất Nhật Bản. Được biết, hiện FPT Japan đã dịch chuyển phần lớn hoạt động kinh doanh sang chuyển đổi số với các giải pháp Make in Viet Nam cho DN tại đất nước này. Trong đó, các công nghệ lõi đều được FPT làm chủ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), đám mây (cloud), dữ liệu lớn (big data), tự động hóa (automation)…

 

Người Nhật ngại giao tiếp bằng thứ tiếng khác, kể cả là tiếng Anh, do đó có càng nhiều nhân viên biết tiếng Nhật thì DN sẽ có càng nhiều lợi thế. Không chỉ vậy, người Nhật cũng khá bảo thủ, thường thích hợp tác với các đối tác truyền thống, đây là thách thức lớn để DN Việt tìm kiếm khách hàng. Không chỉ vậy, việc xây dựng lòng tin với khách hàng hiện tại cũng là điều rất khó và đây cũng là yếu tố quyết định cho sự phát triển của DN tại Nhật Bản.

CEO FPT Japan Đỗ Văn Khắc