Cách làm hay ở Chúc Sơn trong quản lý vật tư nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn TP, nhất là cấp xã, phường, thị trấn còn lúng túng trong quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN) và ATTP nông, lâm, thủy sản (NLTS) thì thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) lại thực hiện tốt công tác này với cách làm nghiêm túc, bài bản.

Khó khăn

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm NLTS, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, năm 2015, Sở NN&PTNT Hà Nội đã triển khai mô hình thí điểm thực hiện Thông tư 45 và Thông tư 51 của Bộ NN&PTNT tại thị trấn Chúc Sơn. Việc thực hiện 2 thông tư này gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ về công tác quản lý VTNT và ATTP NLTS còn hạn chế. Trong khi đó, tập quán canh tác còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hiểu biết của nông dân về quy định trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...).
Mô hình sản xuất rau an toàn tại thị trấn Chúc Sơn.	Ảnh: Ánh Ngọc
Mô hình sản xuất rau an toàn tại thị trấn Chúc Sơn. Ảnh: Ánh Ngọc
Những năm gần đây, Chúc Sơn trở thành một trong những vựa rau của TP với diện tích 80ha. Trung bình mỗi năm, thị trấn cung ứng cho thị trường Thủ đô hơn 2.000 tấn rau các loại. Đại diện lãnh đạo UBND thị trấn cho hay, việc vận động các hộ sản xuất ký cam kết theo Thông tư 51 cũng gặp khó khăn nhất định. Theo thống kê, đến hết năm 2015, thị trấn đã rà soát, đánh giá phân loại được 18/18 cơ sở kinh doanh VTNN và sản phẩm NLTS. Trong đó, có 1 cơ sở xếp loại A, 15 cơ sở xếp loại B, 2 cơ sở xếp loại C. Toàn thị trấn có 631/631 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ ký cam kết thực hiện đủ các điều kiện bảo đảm ATTP. Trong đó có 479 cơ sở trồng trọt, 54 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở nuôi trồng thủy sản và 92 cơ sở có 2 loại hình sản xuất nhỏ lẻ trở lên.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Xác định việc thực hiện Thông tư 45 và Thông tư 51 là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Chúc Sơn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thị trấn đã tổ chức hội nghị giao ban với các thôn, xóm để kiểm điểm tiến độ thực hiện; hàng tháng tổ chức các cuộc họp rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP bằng nhiều hình thức như tuyên truyền lưu động, phát trên đài truyền thanh, treo băng rôn, pano... Bên cạnh đó, thị trấn phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn và hướng dẫn các hộ ký cam kết. Tính đến tháng 9/2015, hầu hết các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn đã ký cam kết thực hiện đủ các điều kiện đảm bảo ATTP.

Trong quý IV/2015, Chúc Sơn đã thành lập 2 đội kiểm tra việc thực hiện cam kết của các hộ sản xuất. Qua kiểm tra, đã lập biên bản 162 hộ sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý để bón cho rau; xử phạt hành chính 2 hộ cung cấp phân hữu cơ chưa qua xử lý. Ngay sau đó, thị trấn đã cung cấp kịp thời chế phẩm xử lý phân hữu cơ cho nông dân. Đồng thời, thông báo tên các hộ vi phạm trên hệ thống loa truyền thanh và yêu cầu kiểm điểm, khắc phục.

Để công tác quản lý VTNN và ATTP được hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Mạnh – Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm đề xuất Chính phủ sửa đổi bổ sung điều khoản của Nghị định 178/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP. Cùng với đó, TP tăng cường chỉ đạo các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ công tác quản lý ATTP, quan tâm, hỗ trợ Chúc Sơn xây dựng mô hình quản lý ATTP theo chuỗi từ sản xuất với tiêu thụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần