Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn kinh tế "Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa, hải đảo" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/10.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong thời gian qua ngành công thương đã đẩy mạnh hỗ trợ các tỉnh miền núi, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho 60 doanh nghiệp ký 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Tại diễn đàn, các đại biểu có chung ý kiến, mặc dù có nhiều sản phẩm tiềm năng thương mại lớn nhưng khó khăn, bất cập trong phát triển thương mại miền núi hiện nay là sự khan hiếm vật liệu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ sản xuất (cụm, khu công nghiệp) và hạ tầng kết nối (đường sá, công nghệ internet…) còn hạn chế. Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên khó phát triển thành vùng hàng hóa lớn. Đặc biệt, xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm chưa được các làng nghề, đơn vị sản xuất chú trọng dẫn đến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1162/TTg về việc phê duyệt chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu cụ thể của chương trình trong cả giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11%
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi trong thời gian tới các tỉnh miền núi, hải đảo cần nâng cao giá trị gia tăng đối với hàng hóa; nâng cao năng lực và kết nối thị trường cho thương nhân tham gia xuất khẩu hàng hóa của khu vực qua biên giới. Đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp với hệ thống bán lẻ để tổ chức các hoạt động phân phối hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng; kết nối đưa hàng hóa là lợi thế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo với các kênh phân phối trên thị trường cả nước.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề xuất bên cạnh sự cố gắng của địa phương, doanh nghiệp còn đòi hỏi Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các chợ truyền thống ở khu vực miền núi, hải đảo nhất là những vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng và hải đảo.
“Đặc biệt các địa phương hàng năm cần bố trí một phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình” - ông Y Thông nhấn mạnh.