Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào huy động vốn đầu tư cho dự án đường Vành đai 5 qua tỉnh Hòa Bình?

Quý Nguyễn/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường Vành đai 5 có 35km đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình nhưng hiện chưa có vốn đầu tư và địa phương cần chủ động huy động vốn theo phương thức đối tác công – tư (PPP) hoặc ODA.

Đường vành đai 5 trên địa phận tỉnh Hòa Bình được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 - 6 làn xe.  
Đường vành đai 5 trên địa phận tỉnh Hòa Bình được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 - 6 làn xe.  

Trong văn bản trả lời cử tri tỉnh Hòa Bình về việc bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5, vùng Thủ đô, đoạn qua địa phương này, Bộ GTVT cho biết tại Quyết định số 1831 ngày 1/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025.

Trong khi đó dự án Vành đai 5 (đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình) chưa được bố trí nguồn vốn để triển khai bằng ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ này.

Bởi vậy, để sớm triển khai xây dựng đường Vành đai 5 đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình theo quy hoạch, Bộ GTVT cho rằng, dự án cần được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP hoặc ODA và Sở GTVT tỉnh Hòa Bình sẽ làm đầu mối.

Sau khi có kết quả kêu gọi đầu tư của địa phương, dựa trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Hòa Bình nghiên cứu, triển khai xây dựng dự án trong thời gian tới.

Cũng theo Bộ GTVT, để phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, trong giai đoạn 2021 - 2025, cơ quan này đã xây dựng nhu cầu đầu tư từ vốn ngân sách Trung ương khoảng 462.000 tỉ đồng song chỉ được phân bổ tổng số khoảng 304.104 tỉ đồng.

Trong đó, khoảng 147.000 tỉ đồng phải ưu tiên bố trí để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.

Còn lại khoảng 157.000 tỉ đồng thì khoảng 117.500 tỉ đồng sẽ dành cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới. Số dư còn lại khoảng 39.500 tỉ đồng sẽ đầu tư cho một số dự án ưu tiên, cấp bách, động lực, xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trên địa bàn 63 tỉnh, TP trong 5 năm tới.

Do đó, dự án Vành đai 5 đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình không nằm trong danh mục các dự án được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Kêu gọi vốn đầu tư PPP hoặc ODA sẽ là hướng đi khả quan nhất để dự án này sớm được triển khai.

Đường Vành đai 5 quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 8 tỉnh, TP gồm: TP Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài khoảng 35,4 km. Điểm đầu tại vị trí giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội tại khu vực xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn và điểm cuối là vị trí giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và TP Hà Nội tại khu vực Chợ Bến, xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn. Đường vành đai 5 trên địa phận tỉnh Hòa Bình được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 - 6 làn xe.