Cách phân biệt rượu có methanol?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

Ngộ độc do rượu có methanol năm nào cũng có. Vậy có cách nào không mua phải loại rượu độc hại này?
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Theo ThS Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), uống rượu là một trong những nét văn hóa của người Việt trong mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, nên sử dụng rượu bia ở chừng mực nhất định, không nên lạm dụng rượu bia sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và trật tự an ninh xã hội.

Về nguyên tắc, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu chứa hàm lượng methanol cao hay không. Trong dân gian có hai cách phân biệt rượu thật và giả là bằng cảm quan và thử rượu trực tiếp.

Đối với cảm quan bên ngoài thì chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt. Còn một cách khác có thể áp dụng khá chính xác là có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.

Methanol còn gọi là alcol methylic, carbinol hay đơn giản hơn là rượu gỗ. Trước đây, được điều chế bằng cách phân hủy gỗ, nay tổng hợp bằng hydro và carbon dioxit. Methanol được dùng trong công nghiệp, đặc biệt là làm dung môi hòa tan các chất vô cơ, hữu cơ hay chiết xuất các loại dầu. Để tránh nhầm lẫn với các loại dùng để uống, người ta cho chất màu xanh vào methanol nên gọi là cồn xanh.

Nếu sản xuất đúng quy tắc thì lượng methanol có trong rượu ethylic (dưới đây gọi là rượu) thấp dưới mức cho phép. Nếu điều chế không đúng cách, thậm chí theo kiểu “ma giáo” để kiếm nhiều lời, thì hàm lượng methanol trong rượu rất cao dễ gây ngộ độc.

Methanol là cồn công nghiệp, các nhà hàng thường dùng nấu đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại dùng để pha thành rượu.

ThS Trần Việt Nga cũng cho biết thêm, Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc, để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0.1) có thể gây ngộ độc. Những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Hầu như năm nào các bệnh viện cũng tiếp nhận những ca ngộ độc methanol. Nhiều người rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não, thậm chí tử vong.

Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt. Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

Đôi lời gửi tới bạn đọc là nên
hạn chế uống rượu và lạm dụng rượu bia trong ngày Tết nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc do dử dụng rượu bia gây ra, và trước hết là ảnh hưởng tới chính sức khỏe của bạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần