Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tính lương hưu khu vực Nhà nước và doanh nghiệp khác nhau, vì sao?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cách tính lương hưu của người lao động khối DN theo cả quá trình làm việc trong khi người lao động khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối; đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm có được rút bảo hiểm xã hội một lần… là những vấn đề được người lao động đặt ra.

Chiều 29/5, tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội” do báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai tổ chức, các đoàn viên, người lao động đã đặt nhiều câu hỏi về chính sách lao động, việc làm, tiền lương.

Bà Dương Thị Minh Châu -Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời các câu hỏi của người lao động. Ảnh: LĐTĐ.
Bà Dương Thị Minh Châu -Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội trả lời các câu hỏi của người lao động. Ảnh: LĐTĐ.

Tại sao cùng một mức đóng bảo hiểm xã hội nhưng cách tính lương hưu đối với lao động khối DN là cả quá trình, còn lao động khu vực nhà nước chỉ tính những năm cuối? Về câu hỏi này, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng: Đối với cách tính lương hưu của người lao động khối DN theo cả quá trình làm việc và với người lao động khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối, là hợp lý.

Lý do bởi, tiền lương của người lao động khối DN là căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hàng năm; lương của người lao động khối nhà nước, người có trình độ đại học cũng chỉ tính theo bậc với mức khởi điểm là 2,34, trong khi lương tối thiểu cho người lao động khu vực DN chưa qua đào tạo như hiện nay là 4.680.000 đồng đối với vùng 1. Hơn nữa, lương của người lao động khối DN được điều chỉnh tăng hàng năm, còn khu vực nhà nước thì 3 năm mới điều chỉnh tiền lương một lần.

Người lao động hỏi chuyên gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm có được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: LĐTĐ.
Người lao động hỏi chuyên gia đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm có được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: LĐTĐ.

Về việc người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, bây giờ nghỉ việc muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần, chuyên gia Dương Thị Minh Châu cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đối với những trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần và phải chờ sau 1 năm dừng đóng theo Nghị quyết số 93/2015/QH13.

Ngoài ra, đối với trường hợp người lao động mắc 6 bệnh hiểm nghèo thì có thể được giải quyết bảo hiểm xã hội một lần ngay tại thời điểm phát hiện ra bệnh nếu có sự xác nhận của bệnh viện. Hiện không có quy định được phép giải quyết bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu cũng cho biết, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần tại Hà Nội thời gian qua không biến động nhiều, kể cả trong thời gian dịch Covid-19, khi nhiều người lao động gặp khó khăn trong cộng việc, cuộc sống. Một trong những nguyên nhân là do Hà Nội thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì thế người lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp chứ không nhất thiết phải rút bảo hiểm xã hội một lần.