Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tính mức phụ cấp ưu đãi đối với viên chức y tế

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mức phụ cấp ưu đãi của viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở là 100%, được áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đó, Chính phủ bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Chính phủ đã có quy định mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ảnh minh họa: Hà Linh.
Chính phủ đã có quy định mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở. Ảnh minh họa: Hà Linh.

Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với: Viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Kể từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở thực hiện theo Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).

Theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ % trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; Xét nghiệm; Khám bệnh, chữa bệnh; Kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh; Phục hồi chức năng.

Mức phụ cấp 40% cũng được áp dụng đối với giám định y khoa; Y dược cổ truyền; Dược, mỹ phẩm; An toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; Sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc truyền thông giáo dục sức khỏe; Dân số kế hoạch hóa gia đình; Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.

Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung, viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ tưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Theo quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.