Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách tránh “bẫy” hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hợp đồng bảo hiểm dài, cài cắm câu chữ về điều khoản loại trừ rất khéo, tinh vi khiến khách hàng như lạc vào “ma trận”. Đến khi biết ra sự thật thì khách hàng luôn là người chịu thiệt thòi. Những vụ việc này khiến niềm tin của khách hàng vào bảo hiểm thêm giảm sút.

Điều khoản cài cắm câu chữ tinh vi

Mới đây, diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai. Theo chia sẻ của nữ diễn viên, cô đã mua 2 gói bảo hiểm của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Aviva Việt Nam cho bản thân và con trai, với tổng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm. Trước khi mua, cô được tư vấn rằng, sau 10 năm lấy về tiền gốc 7 tỷ, cộng thêm tiền lãi là xấp xỉ 10 tỷ đồng. Nhưng gần đây, nữ diễn viên phát hiện, cô phải đóng phí tới 74 năm và con số nhận về không như người tư vấn nói.

Đặc biệt, cô hoàn toàn bất ngờ khi biết tin Công ty Aviva Việt Nam được bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife rồi đổi tên thành Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life). “Hợp đồng họ cài cắm chia ra sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Phần sản phẩm phụ là bảo hiểm sức khỏe thì không được lấy lại số tiền này” – diễn viên Ngọc Lan chia sẻ.

Diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai (ảnh cắt từ clip)
Diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai (ảnh cắt từ clip)

Sự việc của diễn viên Ngọc Lan không phải mới mẻ, xa lạ trên thị trường bảo hiểm thời gian qua. Không ít khách hàng sau khi tất toán hợp đồng mới tá hỏa về các điều khoản, quyền lợi mình được hưởng không như những lời tư vấn “hoa mĩ” lúc đầu của tư vấn viên.

Một khách hàng mua bảo hiểm có tên Minh Phương chia sẻ chính câu chuyện của mình. Bản thân chị mua cho con 1 gói bảo hiểm đóng đến năm 10 tuổi và bảo vệ đến năm 18 tuổi mới rút, thì được nhận tổng số tiền là 282 triệu đồng, còn nếu rút ở năm thứ 11 thì được thêm 40 triệu đồng theo như bảng minh họa người bán đưa cho. Nhưng khi đã đóng đủ 10 năm so với quy định và sang năm 11 đi rút để đổi sang gói cao cấp hơn thì chị mới tá hỏa ra là số tiền rút ra thấp hơn số tiền đã đóng vào.

Lúc đó chị Phương mở hợp đồng ra xem thì mới biết trong hợp đồng ghi mua gói bảo vệ cho con đến năm 99 tuổi. Và đương nhiên chị Phương là người vi phạm hợp đồng vì rút tiền trước thời hạn. Nếu để lại thì mỗi tháng bảo hiểm sẽ trừ phí duy trì là 86.000 đồng. “Khi mua bảo hiểm tôi không được nhận hợp đồng tại chỗ và quyển hợp đồng chỉ được đưa lại khi mọi thứ đã ký kết xong xuôi. Cái sai của tôi là chỉ tin người tư vấn mà không xem kĩ khi nhận hợp đồng” – chị Phương bức xúc kể.

Đồng cảm sau khi xem clip của diễn viên Ngọc Lan khóc vì tin người thân mà mua bảo hiểm nhân thọ, Facebook có tên Trần Trọng An chia sẻ: “Tôi học luật chính quy, có 7 năm làm liên quan tới lĩnh vực tư pháp nhưng đọc hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn thấy rối não, nói chi người thuộc lĩnh vực khác. Trong khi hợp đồng bảo hiểm nào cũng cài cắm câu chữ về điều khoản loại trừ rất khéo. Thế nên, nếu người mua chỉ nghe tư vấn thôi thì dễ chịu thiệt khi gặp sự cố”.

Quy định chặt hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm

Nêu quan điểm về sự việc của diễn viên Ngọc Lan, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, lỗi trước tiên là ở diễn viên Lan Ngọc - người đứng tên mua bảo hiểm. Bởi việc quyết định mua bao nhiêu, thời gian bao nhiều năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì trước khi ký hợp đồng phải tìm hiểu kỹ trước.

Nhưng, cũng cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm của nhân viên tư vấn trong trường hợp này. Họ đã mắc lỗi nghiêm trọng, có thể xếp vào lỗi lừa đảo. Với vai trò một tư vấn viên, là người phải tư vấn đầy đủ, đúng với loại bảo hiểm, các chi phí, số tiền liên quan nhưng họ không đủ tâm, đủ tầm khi tư vấn cho khách hàng. Còn về phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp của khách hàng.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.

 

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn, với thời gian bảo vệ người tham gia 5 năm, 10 năm, 15 năm hoặc trọn đời. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định kể từ năm thứ 10 trở đi, giá trị hoàn lại mới tương đương với số phí người tham gia đã đóng. Nếu hủy hợp đồng trước thời điểm này, khách hàng có thể không nhận được giá trị hoàn lại như kỳ vọng.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng Luật TGS cho biết: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng là hợp đồng dân sự, nên khi khách hàng tự nguyện ký vào bản hợp đồng này cũng có nghĩa là khách hàng phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã ký. Hợp đồng chỉ có thể vô hiệu trong trường hợp khách hàng bị lừa dối, đe dọa, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục...

Thực tế trong quá trình tư vấn, phía Công ty Luật TGS cũng thường xuyên gặp phải trường hợp tương tự. Các vấn đề tranh chấp chủ yếu là do khách hàng không đọc kỹ hay đọc hết hợp đồng, hoặc hiểu sai về hợp đồng.

Đưa ra lời khuyên cho những người mua bảo hiểm, Luật sự Tuấn cho rằng, bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tầm cho tương lai. Nhưng nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi, người mua rất có thể chịu thiệt thòi vì sự thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào tư vấn viên. Trong khi hiện nay nhiều tư vấn viên thiếu cả tâm và tầm. Vì vậy khi lựa chọn mua bảo hiểm phải dựa trên thông tin đầy đủ, tự nguyện chứ không phải do cả nể, thiếu hiểu biết. Trong trường hợp vì lý do gì đó không đọc được ngay thì còn thời gian khoảng 20 suy nghĩ lại, hoặc nhờ luật sư xem lại những điều khoản trong hợp đồng. Phía các DN cung cấp sản phẩm bảo hiểm cần có phần tóm tắt chính để người mua có thể đọc hiểu.

PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quy định chặt chẽ hơn quyền kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ quan quản lý có vai trò quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành lạnh của thị trường bảo hiểm. Tuy nhiên, cần quản lý chặt chẽ hơn trách nhiệm của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là nâng cao chất lượng đào đạo đội ngũ tư vấn viên đảm bảo đủ tâm, đủ tầm.