Trưởng Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng. |
Tổ chức công đoàn nhận thấy những nội dung đưa ra trong Đề án khá hợp lý, bởi có ý nghĩa khuyến khích người lao động (NLĐ) tăng năng suất. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị cần tính toán hài hòa, cân nhắc kỹ. Nếu cứng nhắc áp dụng ngay cách tính lương theo vị trí việc làm sẽ tác động tới số lượng rất lớn NLĐ trong khu vực DN hiện nay, chỉ cần giảm 100.000 đồng/người/ngày cũng gây ảnh hưởng lớn. Nhất là với những NLĐ có thâm niên hàng chục năm công tác, khi trẻ đã cống hiến nhiều thì khi sắp về nghỉ hưu cần được hưởng chính sách theo thâm niên, không nên tính toán một cách “số học” quá với đối tượng này, vì sẽ có những người bị giảm gần một nửa thu nhập so với hiện nay, khó đảm bảo cuộc sống. Việc này càng khó khăn với những DN có hàng chục nghìn NLĐ. Đơn cử vừa qua ở TP Hồ Chí Minh có 1 DN 90.000 công nhân, khi ban lãnh đạo đưa ra hệ thống bảng lương tính theo vị trí việc làm thì hàng nghìn công nhân đã đình công, buộc DN ngay hôm sau phải tạm dừng phương án đó.
Nên, tôi mong muốn, cải cách lương trong DN cần tính toán có lộ trình, làm sao bù đắp thỏa đáng cho những NLĐ lớn tuổi.
Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan |
Vì vậy, chúng tôi mong cải cách tiền lương lần này, Chính phủ có phương án tăng thu nhập cho CBCC cơ sở để khích lệ họ yên tâm công tác, cống hiến lâu dài cho địa phương. Thẳng thắn mà nói, với cường độ công việc, sức lực, trí tuệ phải bỏ ra nhiều như hiện nay thì phải những người thực sự tâm huyết mới có thể bám trụ lâu tại cơ sở, tại các BPMC cấp phường.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt 10/10 Dương Văn Bình |
Đề án này giúp DN chủ động xây dựng thang bậc lương có nhiều tính tích cực, bởi DN tuyển dụng NLĐ sẽ có thỏa thuận rõ ràng từ đầu về mức lương tùy theo trình độ, nên sẽ khuyến khích được người tài, giữ chân NLĐ. Như vậy, sẽ giao quyền chủ động của DN, tránh can thiệp nhiều của Nhà nước vào hoạt động trả lương của DN như từ trước đến nay. Tuy nhiên, việc loại bỏ yếu tố "thâm niên" cũng có thể gây bất hợp lý, mâu thuẫn trong nội bộ, khó giải quyết với những công nhân lâu năm. Do đó, phương án như vậy đòi hỏi ban lãnh đạo DN phải có tính toán, đánh giá chính xác, công tâm. Tất nhiên sẽ có một khoảng thời gian NLĐ bị hẫng, song nếu DN tích cực tuyên truyền thì NLĐ sẽ dần chấp nhận được vì thấy sau này sẽ có lợi cho mình. Chứ theo cách trả lương hiện nay, bất cập lớn nhất là những NLĐ có trình độ, như kỹ sư mới ra trường xin vào DN chỉ được trả lương 85% thì họ thậm chí không muốn thử việc.
Do đó, việc cho DN tự quyết thang bảng lương cần sớm rõ ràng, đề ra một hướng đi cởi mở cho DN có thể tự làm được. Vì với những công ty cổ phần xuất phát từ DN nhà nước như Dệt 10/10 có nhiều công nhân lâu năm, đang được hưởng theo các bậc lương cho chuyên viên, cán sự…, cùng với phụ cấp cho các chức danh, thì nếu theo đề án đưa ra, chúng tôi chưa biết sẽ phải tính toán xây dựng thang bảng lương theo hướng nào. Đồng thời, việc cải cách theo hướng tăng lương cho NLĐ cần đồng bộ với chính sách về BHXH, vì hiện mức đóng của cả NLĐ và của DN đều khá cao, nếu hạ được thì mới giúp DN có thể trụ được trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt mà năng suất lao động của NLĐ chưa tăng đáng kể.