Cái giá để Trung Quốc dập sạch ổ dịch Covid-19 lớn chỉ trong 1 tháng

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng khoảng 1 tháng kể từ khi báo cáo đợt bùng phát lớn nhất từ sau Vũ Hán năm 2020, Trung Quốc một lần nữa đưa số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng về số 0.

Mặc dù đợt bùng phát do biến thế Delta lần này phức tạp hơn, nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới được cho vẫn tuân thủ cách làm mà họ đã thực hiện để dập tắt hơn 30 đợt bùng phát trước đó, kể từ khi virus này xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán 18 tháng trước.
Mô hình "0 Covid" của Trung Quốc cho thấy những gì cần làm để kiểm soát dịch bệnh chết người này, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu các quốc gia khác có khả năng - hoặc có thể chấp nhận "trả giá đắt" - để làm theo hay không?
Dưới đây là những gì đã diễn ra tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 20/7 - khi có tin tức về một vụ lây nhiễm giữa các nhân viên vệ sinh sân bay Nam Kinh - đến ngày 23/8, khi quốc gia này chính thức báo cáo không có trường hợp nào.
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm cho người dân tại một điểm test Covid-19 lưu động ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg 
Xét nghiệm lặp đi lặp lại, phong tỏa dù chỉ 1 ca nhiễm
Trung Quốc đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 ở mức độ chưa từng có trong lần bùng phát này. Chính quyền địa phương đã test dân cư của mình khoảng chục lần, chỉ trong một TP, để đảm bảo mọi ca nhiễm cuối cùng đều phải được phát hiện.
Tổng cộng, hơn 100 triệu lượt test đã được thực hiện, nhưng cũng đi kèm với không ít nguy cơ. Tại TP Dương Châu, một số người dân được cho đã bị lây nhiễm virus khi xếp hàng chờ test.
Thủ đô Bắc Kinh có thời điểm đã bị phong tỏa cứng dù chỉ phát hiện 1 trường hợp. TP cũng ngừng hẳn các chuyến tàu và các chuyến bay từ những điểm nóng dịch bệnh trên khắp đất nước, mặc dù cuối cùng Bắc Kinh chỉ ghi nhận hơn 10 ca nhiễm.
Các khu vực khác cũng đưa ra những hạn chế sâu rộng, từ việc cấm nhập cảnh đối với những người từ khu vực có nguy cơ cao cho đến yêu cầu cắt giảm kỳ nghỉ ngắn ngày. Hầu hết phải cách ly ở nhà - một quy tắc được thực thi nghiêm ngặt - trước khi trở lại làm việc và đi học.
Hơn 200 khu vực lân cận ổ dịch Nam Kinh đã được gắn nhãn là có nguy cơ cao hoặc trung bình, tạo ra một sự gián đoạn trong cuộc sống và kinh doanh của lượng lớn người dân.
Lên nhanh và xuống cũng nhanh
Khởi đầu là 1 ca nhiễm Covid-19 không triệu chứng tại sân bay ở Nam Kinh. Ngày hôm sau, báo cáo đã hơn chục ca. Vào cuối tuần đó trong tháng 7, số ca lây nhiễm hàng ngày đã tăng lên gần 50, cho thấy mức độ lây lan theo cấp số nhân trên hơn 1.000km.
Trong vòng chưa đầy 3 tuần, số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên hơn 100 người, rải rác trên một nửa quốc gia. Nhưng vào tuần ngay sau đó, số ca lây nhiễm giảm xuống chỉ còn 1 con số trong bối cảnh các biện pháp kiềm chế được thắt chặt. Để thấy, làn sóng lây lan đã kết thúc nhanh chóng gần giống như cách nó bắt đầu.
Sức lan chóng mặt của biến thể Delta đã trở thành thử nghiệm lớn nhất đối với mô hình kiểm soát "0 Covid" của Trung Quốc. Kết quả, nó đã xâm nhập vào gần 50 TP trên 17 tỉnh, bao gồm cả việc đưa virus trở lại Vũ Hán - nơi đã không có trường hợp nhiễm nào trong hơn 1 năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã loại bỏ virus trong khoảng 1 tháng, gần bằng thời gian để dập tắt các đợt bùng phát trước đó, như đợt bùng phát vào đầu năm 2021 ở các tỉnh phía Bắc, với tổng số 2.000 trường hợp.
Một khu phố bị phong tỏa ở Thượng Hải, ngày 21/8, nhìn từ trên cao. Ảnh: Bloomberg 
Để so sánh, các TP ở Australia đã trải qua 6 lần phong tỏa hoàn toàn, khiến hơn một nửa trong số 26 triệu người của đất nước này phải ở nhà, nhưng đến nay vẫn chưa thể kiểm soát được virus.
Tại Mỹ - nơi chưa bao giờ thành công trong việc ngăn chặn virus lây lan bằng phong tỏa - chính quyền chủ yếu dựa vào tiêm chủng, thậm chí với các mũi tiêm thứ 3 có thể sẽ được triển khai trong một vài tháng tới, để tăng cường khả năng bảo vệ chống lại sự hồi sinh của Covid-19.
Đáng chú ý, Trung Quốc cũng đang giữ được một tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp. Tại tỉnh Giang Tô, điểm nóng về virus, số ca nguy kịch có thời điểm lên tới 18 người, làm dấy lên lo ngại rằng đất nước có thể sớm báo cáo những ca tử vong do Covid-19 mới trong hơn 6 tháng tới. Tuy nhiên, nhiều người bệnh trong số này hiện đã trở lại mức ổn định.
Bất chấp thiệt hại kinh tế
Theo Bloomberg, phương pháp ngăn chặn bằng mọi giá đang đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tiêu thụ và sản xuất chậm lại trong tháng 7, dự kiến ​​sẽ tiếp tục suy yếu vào tháng 8 khi số ca nhiễm đã đạt đỉnh và các biện pháp kiểm soát được tăng cường. Các ngân hàng đầu tư từ Goldman Sachs Group Inc. đến Nomura Holdings Inc. đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.
Nhiều biến thể lây nhiễm hơn và sự lây lan tràn lan của chúng đang khiến nhiều nước từ bỏ quyết tâm triệt tiêu Covid-19. Điều này hiện đang trở thành một sự đồng thuận toàn cầu, thúc đẩy các quyết định học cách "sống chung với Covid-19" ở cả các quốc gia như Singapore, Australia, New Zealand vốn từng thành công với việc dập dịch hoàn toàn.
Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi đến nay vẫn kiên định về khả năng ngăn chặn mầm bệnh, cam kết sẽ tiếp tục bảo vệ người dân của mình bất kể mọi nỗ lực và chi phí.
Tân Hoa xã dẫn lời lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc Mã Hiểu Vĩ ngày 16/8 cho biết, việc ngăn chặn Covid-19 "là một ưu tiên đảm bảo mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và môi trường đầu tư lành mạnh". Ông thề sẽ "kiên quyết ngăn chặn sự bùng phát lan rộng hơn nữa và củng cố thành quả đã rất khó khăn để có được từ những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của quốc gia".
Ninh Ba Chu Sơn - cảng sầm uất thứ 3 thế giới tại Trung Quốc - đã phải đóng cửa hôm 11/8, tác động lớn đến chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại toàn cầu. Ảnh: Reuters
Mặc dù các trường hợp của Trung Quốc đã trở về 0, nhưng không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, khi các biến thể virus đang thay nhau phát triển. Một số trường hợp mới trong vài ngày qua đã được báo cáo ở những nơi như Thượng Hải, xa các điểm nóng của đợt bùng phát gần đây nhất.
Rõ ràng, Trung Quốc là minh chứng cho khả năng tiêu diệt virus bằng một cách tiếp cận không khoan nhượng, nhưng liệu với cách này, một quốc gia có thể sớm tái gia nhập với thế giới được hay không?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần