Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Việc khó-quyết tâm cao

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ định hướng dài hạn phát triển TP Hà Nội, không chỉ cải thiện chất lượng về nhu cầu ở cho người dân, còn giúp chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Với việc Bí thư Thành ủy Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn TP; phụ trách chung, chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo theo chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra càng cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng và không hề dễ dàng này.

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Việc khó-quyết tâm cao
Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội: Việc khó-quyết tâm cao

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hiện đã xuống cấp trên địa bàn TP là vấn đề được nói đến rất nhiều, với khó khăn, phức tạp không ít. Các đề xuất, ý kiến liên quan đến cải tạo lại các chung cư luôn là vấn đề nóng được cử tri nêu ra tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND TP…

Theo thống kê trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954 và từ năm 1960 – 1994, tập trung chủ yếu tại các quận. Đến nay, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát và hạ tầng kèm theo đã khiến biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp... Việc cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ đã được khởi động từ nhiều năm và hoàn thành ở một số chung cư, nhưng vẫn là con số rất nhỏ so với thực tế cấp thiết.

Trong nhiều năm qua, TP luôn xác định cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách với nhiều nhiệm vụ cụ thể được đặt ra nhằm đẩy nhanh tiến độ và tính khả thi như tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ bằng nguồn vốn ngân sách; lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định…

Để tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề này, ngay kỳ họp đầu nhiệm kỳ khóa XVI (Kỳ họp thứ 2), HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội” và ngay sau đó UBND TP đã ban hành đề án này để đưa vào triển khai với những định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ cụ thể.

Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của T.Ư, TP cũng đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù phù hợp với quy định, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia.

Để những chính sách, mục tiêu được thực thi, việc phân công rõ người, rõ việc trong chỉ đạo điều hành rất quan trọng. Lần này, Ban Chỉ đạo dưới sự điều hành chung của Bí thư Thành ủy, đã xác định rất rõ nhiệm vụ của từng cá nhân với rất nhiều đầu việc liên quan

. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo cũng thể hiện quyết tâm cao bằng kế hoạch hành động, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tiến độ triển khai…

Để qua đó xây dựng quy trình, phương pháp, giải pháp và chính sách hiệu quả, đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật về nhà ở, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai… Trước đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ trên địa bàn TP...

Có thể nói rằng, việc cải tạo, đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư để đảm bảo tính khả thi không chỉ cần sự quan tâm đặc biệt để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc từ quy hoạch, các chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư… còn cần sự quyết tâm lớn từ người đứng đầu.

Có thể nói rằng, với những quyết tâm chính trị được thể hiện, đây sẽ là bước khởi đầu mạnh mẽ cho những bước quan trọng tiếp theo, đạt kết quả tốt cho một bài toán khó, không chỉ nâng cao được chất lượng cuộc sống người dân, còn nâng giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị.